Với việc thực hiện các chính sách kinh tế thông thoáng, huy động và tạo điều kiện cho các loại hình kinh tế phát triển, Ninh Bình đã tích cực tổ chức, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã được cổ phần hóa hoặc giao khoán cho người lao động nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thông thoáng để khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển cả số lượng và qui mô.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000 doanh nghiệp đăng kí hoạt động, tăng trên 16 lần so với năm 1992, với tổng số vốn đăng kí gần 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng chiếm 39%; lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp chiếm 12%; lĩnh vực dịch vụ thương mại và các lĩnh vực khác chiếm 49%.
Năm 2016, số thu ngân sách của Ninh Bình đạt trên 7.260 tỷ đồng, vượt 56% dự toán, tăng 47% so với năm trước, trong đó nguồn thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh có tốc độ phát triển cao, đóng góp vào ngân sách 2.600 tỷ đồng.
Có thể thấy, khu vực KTTN của tỉnh đã ngày càng khẳng định được vai trò của mình, một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn đã hình thành, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, việc phát triển KTTN trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của khu vực KTTN trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc tuyên truyền, học tập chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phát triển KTTN chưa được xem trọng ở một số cấp ủy, chi bộ cơ sở. Việc phát triển đảng viên trong khu vực KTTN còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có đảng viên. Chính vì thế để khu vực KTTN phát triển nhanh và bền vững đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết.
Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước nhằm tạo đà cho KTTN thật sự phát triển lành mạnh, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Để KTTN không ngừng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm chính sách hỗ trợ KTTN một cách thực chất, thông qua các chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế, đất đai, giải phóng mặt bằng...; tăng cường đổi mới công nghệ, thực hiện công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy liên kết tích cực giữa các ngành kinh tế và các chủ thể kinh tế.
Đồng thời thực hiện hiệu quả cải cách hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế "một cửa điện tử" thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính.
Trong đó, tập trung cải thiện việc tiếp cận các yếu tố đầu vào cho sản xuất kinh doanh; giảm thời gian, chi phí tuân thủ các thủ tục về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, xây dựng; rút ngắn thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Tuy nhiên, về phía các doanh nhân, doanh nghiệp, cần chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và "chữ tín" trong kinh doanh. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác.
Bảo Yến