Từ độc canh cây lúa người nông dân chuyển hướng sản xuất sang đa cây, đa con, đa ngành nghề, phát triển theo hướng hàng hóa phù hợp với thị trường. Trong trồng trọt, mô hình được áp dụng phổ biến là gieo cấy lúa kết hợp với thả cá, kinh tế vườn hoặc trồng cói và nuôi trồng thủy, hải sản. Đã có nhiều hộ nông dân mạnh dạn nhận đấu thầu với diện tích lớn, đẩy mạnh gieo trồng giống cây mới tạo ra năng suất, giá trị, sản lượng cao như gia đình ông Nguyễn Văn Hiện (xóm 8, Đồng Hướng), Nguyễn Văn Huyến (xóm Tân Văn, Kim Mỹ), ông Hoàng Văn Hợi (Văn Hải)… mỗi năm gieo cấy trên 2 ha lúa cao sản, lúa chất lượng cao, kết hợp chăn nuôi cá, tôm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Với kinh tế vườn, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, quy mô, thay thế các cây tạp, cây ăn quả giá trị kinh tế thấp bằng các loại cây có thu nhập cao như cây thuốc nam, cây sinh vật cảnh, đào cảnh, hoa cúc, hoa hồng… Tiêu biểu phải kể đến hộ ông Lưu Văn Kha (xã Xuân Thiện), Phạm Văn Lượng (xã Chính Tâm), Nguyễn Văn Hùng (xã Lưu Phương), Nguyễn Văn Việt (xã Kim Tân)…
Không chỉ dừng lại ở trồng trọt, nông dân trong huyện còn phát triển kinh tế trang trại tổng hợp theo hướng đa dạng cây con, kết hợp với chăn nuôi VAC theo hình thức hộ. Một số hộ thực hiện chuyển đổi những diện tích thùng đào, thùng đấu, trồng lúa, cói kém hiệu quả sang trang trại nuôi cá, nuôi gia cầm cho hiệu quả cao. Các con nuôi chủ lực được nông dân tập trung đưa vào phát triển như chăn nuôi lợn thịt lai ngoại, lợn nái quy mô từ 100 đến trên 200 con, nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm, nuôi ba ba, ếch, cá sấu…
Mô hình kinh tế trang trại đang được nhiều nông dân trong huyện áp dụng chuyển đổi đó là nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Nhiều hộ dân ở các xã vùng bãi ngang như Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông, thị trấn Bình Minh mạnh dạn đầu tư số vốn lớn, xây dựng các ao đầm hàng vài ha nuôi thả tôm sú, cua biển, hình thành nên diện mạo khu nuôi trồng thủy sản của huyện theo hướng công nghiệp, hiện đại, góp phần mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện trên 2 nghìn ha ở trong và ngoài đê Bình Minh 2, nâng cao sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên 9.220 tấn (năm 2009), giá trị đạt gần 250 tỷ đồng. Nhiều mô hình mới xuất hiện như nuôi trồng, khai thác ngao khu vực Cồn Nổi, mô hình cá chẽm, cá mú, tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm sú xen cá rô phi đơn tính…
Nguyên nhân để kinh tế trang trại ở Kim Sơn ngày càng phát triển là do có sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc ký ủy thác vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề… Khi có chủ trương xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha, hộ thu nhập 50 triệu đồng/năm trở lên, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên, bà con xã viên hưởng ứng tham gia nhiệt tình phong trào. Từ đây đã hình thành nên nhiều trang trại làm ăn có quy mô lớn, nhiều hộ nông dân dám nghĩ, dám làm và tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, với 608 ha đạt giá trị 50 triệu đồng/ha trở lên và 273 hộ có thu nhập đạt 50 - 100 triệu đồng vào năm 2006, đến nay con số đó đã tăng lên đáng kể.
Để giúp đỡ nhân dân xây dựng kinh tế trang trại, Hội nông dân huyện từ năm 2005 đến nay đã tổ chức được 520 buổi chuyển giao KHKT cho 5.460 lượt hội viên về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, dệt đan các mặt hàng chiếu cói xuất khẩu; tổ chức xây dựng 12 mô hình trình diễn sử dụng phân bón đa dinh dưỡng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập các tổ vay vốn tiết kiệm, cho hội viên vay 31 tỷ đồng phát triển sản xuất; tín chấp mua phân bón chậm trả cho hội viên hàng năm từ 1.000 đến 1.200 tấn các loại; giúp đỡ nhau vốn, ngày công phát triển sản xuất… Đây chính là đòn bẩy đưa kinh tế trang trại trên địa bàn không ngừng phát triển, mở rộng cả về quy mô, số lượng và nâng cao về năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả như hiện nay.
Hoàng Tâm