Qua những câu chuyện, chị Thọ cho chúng tôi biết về hoàn cảnh gia đình, những khó khăn, vất vả đã trải qua và quá trình để có những kết quả như ngày hôm nay. Năm 1997 là năm gia đình chị thực hiện chính sách di dân của địa phương đến sinh sống tại thôn 4A, xã Đông Sơn với hai bàn tay trắng. Khi đó hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn, hai vợ chồng và 3 đứa con phải ở trong căn nhà tre lá tạm bợ và chạy ăn từng bữa. Khó khăn lại chồng chất khó khăn khi năm 2008 tai nạn ập đến, chồng chị qua đời đột ngột để lại các con thơ đang còn tuổi ăn, tuổi học.
Mặc dù chăm chỉ làm ngày làm đêm để nuôi con, vừa đi chợ, vừa chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhà nhưng cuộc sống của mấy mẹ con chị vẫn không khá lên. Chị Thọ luôn nung nấu ý định chọn và phát triển mô hình kinh tế mới để có tiền lo cho các con ăn học thành người, nhưng lại thiếu vốn.
Trong lúc khó khăn không biết tìm nguồn vốn ở đâu để phát triển kinh tế, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, Hội Phụ nữ và Ngân hàng CSXH gia đình chị Thọ có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Được sự bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2012, gia đình chị được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Với số vốn đó, cùng sự tư vấn của Hội phụ nữ xã, chị đã mua 1 cặp bò sinh sản trị giá 28 triệu đồng, còn lại đầu tư sửa sang chuồng trại chăn nuôi.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả, chị Thọ được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò sinh sản do Hội phụ nữ xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức. Có vốn đầu tư chăn nuôi cùng với kiến thức lĩnh hội được, chị chăm chỉ làm việc, chăm sóc tốt cặp bò sinh sản. Trời không phụ lòng người, sau 1 năm cặp bò sinh sản đã đẻ được 2 con bê và từ đó đều đặn mỗi năm cặp bò sinh sản đều đẻ được 1 cặp bê cho gia đình chị.
Đến năm 2015, gia đình chị nhân thêm được 2 cặp bò sinh sản và có thu nhập kha khá từ việc bán bê giống. Nhờ vậy mẹ con chị Thọ đỡ vất vả, kinh tế dần được cải thiện và tiết kiệm xây được gian nhà đủ để phục vụ sinh hoạt. Chị Thọ đã trả được cả nợ gốc, lẫn nợ lãi cho Ngân hàng CSXH đúng kỳ hạn và vươn lên thoát nghèo.
Đã thoát nghèo nhưng gia đình chị Thọ lại đứng trước nguy cơ có thể tái nghèo bất cứ lúc nào nếu không tiếp tục đầu tư mở rộng hoặc đổi mới mô hình sản xuất. Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, chị Thọ đã tìm hiểu về thị trường, về tiềm năng phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và đi đến quyết định đầu tư sản xuất và kinh doanh chè khô thương hiệu chè Đông Sơn.
Năm 2016, chị đã bán 2 cặp bò sinh sản được 80 triệu đồng và vay thêm vốn Chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng CSXH với số tiền 50 triệu đồng đầu tư mua 1 máy chế biến chè, mở cửa hàng kinh doanh chè khô và mua chè thành phẩm của các hộ gia đình trong xã về chế biến và đóng gói, bán tại nhà. Từ khi chuyển hướng, công việc kinh doanh của chị Thọ rất thuận lợi, thương hiệu chè Đông Sơn đã lan rộng ra không chỉ ở thị trường Tam Điệp mà còn ở cả Ninh Bình, Hà Nội, Lạng Sơn.
Nhờ đó cuộc sống của gia đình đã được cải thiện rõ nét, thu nhập hàng năm tăng đều và dần ổn định đạt 100 triệu đồng/năm. Không chỉ thoát nghèo bền vững, chất lượng cuộc sống gia đình chị được nâng lên, các con có điều kiện học hành.
Hiện 3 con của chị đã trưởng thành, con lớn tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, con thứ hai tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải và con thứ 3 đang học năm thứ 3 Trường Cao đẳng Y Ninh Bình. Đặc biệt, 2 cháu lớn đã ra trường và đi làm tại các công ty, doanh nghiệp, có thu nhập ổn định để phụ mẹ nuôi em ăn học.
Không chỉ tích cực lao động sản xuất và kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình, chị Thọ còn là tấm gương tiêu biểu tham gia các hoạt động, các phong trào của địa phương. Ngoài ra, chị còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn về kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và biết cách sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả nhất.
"Chúng tôi mong rằng Nhà nước tiếp tục có chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo để cho nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giống như chúng tôi được vay vốn của Ngân hàng CSXH, góp phần vào an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo", đó là lời nhắn nhủ của chị Thọ khi chúng tôi và cán bộ Ngân hàng CSXH tạm biệt ra về.
Hồng Giang