Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thành phố Ninh Bình đã giành được những kết quả quan trọng, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế.
Dù trong khó khăn, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới suy giảm, song thành phố vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2007-2016 đạt 14,23%. Năm 2016, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) ước đạt 11.346 tỷ đồng, tăng 331,17% so với năm 2007.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 65,75%; dịch vụ- thương mại là 33,44%; nông nghiệp chỉ còn 0,81%... Thành quả này bắt nguồn từ những định hướng đúng đắn và hệ thống các giải pháp đồng bộ được Thành phố đề ra và thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Dương Đức Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Để đưa kinh tế phát triển nhanh, bền vững, những năm qua, thành phố đã thực hiện tốt việc quy hoạch, phát triển đô thị; hạ tầng đô thị được đầu tư, nâng cấp, tạo cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Theo đó, thành phố đã hoàn thành việc quy hoạch định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng dần được hoàn thiện.
Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại II sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và thành phố lần thứ XVIII đề ra.
Công tác quản lý, xây dựng đô thị được quan tâm, tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn lực; nhiều công trình, dự án lớn, nhiều khu đô thị mới hiện đại được xây dựng tạo điểm nhấn cho đô thị thành phố.
Nhờ thực hiện tốt việc quy hoạch, phát triển đô thị đã tạo cho thành phố Ninh Bình lợi thế của một đô thị trung tâm, thu hút các thành phần kinh tế tham gia, thúc đẩy các loại hình thương mại, dịch vụ hiện đại phát triển.
Diện mạo thành phố có nhiều đổi thay với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại lớn, nhiều tuyến phố dịch vụ, thương mại sầm uất như: Lê Hồng Phong, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành… đáp ứng nhu cầu giao lưu, buôn bán và sinh hoạt của nhân dân và các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh.
Trước những tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh liên quan đến các vấn đề về thuế, tín dụng, đồng thời chủ động thực hiện các giải pháp về: cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đào tạo nghề, bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Do vậy, số doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tăng nhanh, năm 2007, có 415 doanh nghiệp và hơn 8.500 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thì đến năm 2016, trên địa bàn thành phố đã có 1.050 doanh nghiệp và trên 10.400 hộ kinh doanh cá thể. Các thành phần kinh tế phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động và tăng thu ngân sách cho địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 744,3 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2007; thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 40,38 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2007.
Cùng với phát triển thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp cũng được tập trung chỉ đạo theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Thành phố đã triển khai đề án hỗ trợ mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao, thực hiện tốt chính sách trồng cây vụ đông, xây dựng mô hình thí điểm sản xuất hoa cao cấp, rau an toàn ở xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp và mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 112,2 triệu đồng/ha, tăng 2,53 lần so với năm 2007…
Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, BCH Đảng bộ thành phố đã xây dựng và ban hành 6 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có chương trình công tác số 2 về phát triển kinh tế với trọng tâm: Phát huy tiềm năng , lợi thế của thành phố để phát triển bền vững, tập trung cao cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế hộ gia đình.
Trong chương trình công tác toàn khóa có xác định cụ thể các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế cụ thể, có lộ trình và bước đi, để các cấp, các ngành có thể triển khai, đưa nghị quyết vào cuộc sống, tạo ra bước phát triển mới trong bức tranh kinh tế của thành phố trong giai đoạn 2015- 2020.
Những bước phát triển vượt bậc về kinh tế của thành phố Ninh Bình từ khi thành lập đến nay sẽ góp phần tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân thành phố quyết tâm đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo tiêu chí đô thị loại I, hướng tới thành phố du lịch văn minh, giàu đẹp trong tương lai.
Thùy Phương