Phạm Bá Ngọc sinh năm 1978, không được may mắn như nhiều bạn bè cùng lứa, khi đang học THCS vì điều kiện kinh tế gia đình nhiều khó khăn, anh đã phải nghỉ học. Rời ghế nhà trường khi tuổi đời còn quá trẻ, anh đã cùng gia đình khai hoang đất làm nông nghiệp.
Ngọc tâm sự: Thời gian đó tôi đã phải rất vất vả bươn chải cùng gia đình để sinh sống từng ngày, không những thế trong tôi luôn bị ám ảnh bởi là một người thất học và luôn bị mặc cảm, tự ti trước bạn bè. Thời gian đó anh sống trầm lặng, khép mình và ít bạn bè đến với anh. Tuy nhiên đó cũng là khoảng thời gian để anh trải nghiệm ra nhiều điều và anh nghĩ phải quyết tâm đứng dậy. Là một người mê vẽ và có năng khiếu vẽ từ nhỏ, Ngọc vẽ được rất nhiều thứ xung quanh mình. Điều đặc biệt là anh không học qua một trường lớp nào. Có năng khiếu bẩm sinh cùng với lòng đam mê, năm 1999 anh đã quyết tâm xin đi học nghề chạm khắc gỗ ở Trường Thủ công mỹ nghệ Nam Định. Trong thời gian này, anh đã phải tự học, tự làm để nuôi sống bản thân. Sau khi học xong, anh đã lên Hà Nội gần 2 năm để học thêm. Con đường tìm kế sinh nhai đã đưa anh vào tận thành phố Hồ Chí Minh. Những tưởng mảnh đất màu mỡ ấy sẽ làm nên sự nghiệp cho anh, nhưng rồi vài lần vấp ngã trong công việc giúp anh nhận ra được nhiều điều. Vốn là người giàu tình cảm, vì thế trong anh luôn nung nấu ý định sẽ về quê hương lập nghiệp. Đến năm 2004, sau một thời gian làm cho một số tỉnh miền Nam anh đã trở về quê hương (tổ 14, phường Nam Sơn) để bắt đầu lập nghiệp cho mình.
Có trong tay số tiền gần 800 nghìn đồng, Ngọc đã mua một máy mài cầm tay phục vụ trong nghề mộc, rồi thuê một căn hộ gần nhà để nhận hàng về làm. Các sản phẩm anh làm dần dần được nhiều người quan tâm đến bởi nét độc đáo, tinh tế. Năm 2006, anh bắt đầu tuyển 3 thợ để về giúp đỡ mình những lúc nhiều hàng đặt. Rồi các hợp đồng mỗi ngày một nhiều, anh đã vay mượn của anh em, bạn bè, của ngân hàng mua 400 m2 đất tại tổ14, phường Nam Sơn làm xưởng mở rộng sản xuất các loại: Gỗ lũa nghệ thuật, bàn ghế gốc cây, tranh tượng, các đồ vật trang trí nội thất, tranh gỗ, tượng phật, bình hoa... và thành lập nên Doanh nghiệp tư nhân Vạn Bảo Ngọc. Cũng từ đây nhiều mặt hàng của Ngọc đã có mặt trên thị trường và được khá nhiều người biết đến. Với những nét hoa văn đa dạng và độc đáo khi là hình tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", khi lại là hình 12 con giáp, tứ linh rồi tới các điển tích mang tính giáo dục, hướng con người ta tới cái chân, thiện, mỹ... Giờ đây lúc nào anh cũng vận bịu với những bản vẽ, những hợp đồng và những dự định mới. Cuối năm 2008, anh đã mở cửa hàng trên đường Quyết Thắng, thành phố Ninh Bình để giới thiệu sản phẩm. Anh Ngọc cũng cho biết: Giờ đây các sản phẩm của anh lúc nào cũng "cháy", sản phẩm ra lò đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Từ số vốn ban đầu ít ỏi, năm 2008 anh đã bất ngờ đạt được những thành công với doanh thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi hàng trăm triệu đồng. Khách hàng và người lao động từ khắp nơi tìm đến anh mỗi ngày một đông. Hiện anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng.
Khi hỏi về những dự định của mình trong tương lai, Ngọc cho biết: Trong thời gian tới anh sẽ huy động một số vốn để sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch như những biểu tượng du lịch, những điển tích về vua Đinh, những doanh nhân, danh lam của đất Ninh Bình... Dù con đường trước mắt còn nhiều chông gai nhưng Ngọc sẽ vượt qua, anh sẽ thành công trong sự nghiệp của mình.
Bài, ảnh: Khánh Vân