Đây là một tài nguyên quan trọng đối với phát triển du lịch của Ninh Bình, tạo nên một nền tảng bản sắc văn hóa hấp dẫn riêng cho mảnh đất Cố đô với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Ninh Bình phải làm gì để vừa phát huy lợi thế riêng có này, vừa bảo tồn được các giá trị của di sản? Để trả lời cho câu hỏi này phóng viên báo Ninh Bình đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch.
Coi trọng công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị của di sản
Thực tế cho thấy, cơ cấu kinh tế của các địa phương có di sản thế giới hiện nay đã thay đổi nhiều, các hoạt động dịch vụ du lịch đã tăng lên gấp bội so với trước khi di sản được ghi vào Danh mục di sản thế giới. Mặt khác sự phát triển bền vững của đất nước đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam.Cho tới nay Việt Nam đã có hơn 3 nghìn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, hơn 5 nghìn di tích cấp tỉnh, trong số đó có 7 di sản văn hóa thiên nhiên được ghi vào Danh mục di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. |
|
Nếu Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh vào Danh mục di sản thế giới thì sẽ góp phần đa dạng thêm cho kho tàng di sản của Việt Nam về giá trị, loại hình, quy mô. Sau khi di sản được vinh danh, di sản sẽ có thêm một sức sống mới, được Nhà nước và các tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư, bảo vệ nhiều hơn. Đặc biệt khi Tràng An trở thành di sản thế giới sẽ trực tiếp mang lại nguồn lợi cho ngân sách và tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương.
Hiện nay, một trong những hạn chế cơ bản của du lịch Việt Nam là thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế, kể cả những tỉnh có lợi thế rất lớn là có di sản được vinh danh thế giới. Chính vì thế, trong quá trình phát triển du lịch để tránh đi vào vào "vết xe" của các di sản trước, Ninh Bình cần xây dựng một kế hoạch quản lý di sản cho Quần thể Danh thắng Tràng An phù hợp với định hướng của địa phương và quy định của quốc tế.
Bên cạnh công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị của các di sản, hoạt động xúc tiến quảng bá được đánh giá là hết sức quan trọng, đặc biệt là các chương trình quảng bá, xúc tiến tại nước ngoài. Di sản thế giới được xem là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao và chúng ta tin tưởng đó chính là những lợi thế để du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ông Nguyễn Quốc Hùng
(Cục phó Cục di sản văn hóa. Bộ VH, TT và DL)
Triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch bền vững
Ninh Bình hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, bởi nơi đây có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch như: Văn hóa tâm linh với chùa Bái Đính, Cố đô Hoa Lư… Tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như: Tràng An; Tam Cốc- Bích Động; Rừng Quốc gia Cúc Phương…
Những tiềm năng du lịch của Ninh Bình vẫn còn rất nhiều, đồng nghĩa với cơ hội đối với các nhà đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, du lịch Ninh Bình phát triển không thể chỉ dựa vào cảnh quan độc đáo thiên nhiên ban tặng, mà còn phải tạo dựng những khu, điểm giải trí mang tầm quốc tế (khu mua sắm, vui chơi, giải trí tổng hợp…), các dịch vụ phụ trợ chất lượng cao để kích thích tiêu dùng và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch trong nước và quốc tế. So với 5 năm thì bộ mặt du lịch Ninh Bình đã có những thay đổi nhanh chóng. |
|
Sản phẩm du lịch ở Ninh Bình còn đơn điệu, chưa đa dạng hóa dịch vụ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công nhân viên tham gia làm dịch vụ du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh du lịch có bước phát triển khá, song đầu tư vẫn còn dàn trải, hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch đang phát triển "nóng" chưa mang tầm quốc tế…
Bên cạnh đó, Ninh Bình cần tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn, nhất là các tỉnh thuộc trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận, trung tâm du lịch Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, phát triển kết nối tour, tuyến, làm đa dạng và bổ sung các loại hình sản phẩm du lịch, mở rộng khai thác thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Mỹ
(Tổng giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt Tavitoun, Chủ nhiệm CLB hướng dẫn viên Tp.HCM)
Phát triển du lịch cần gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái
Cách đây hơn 20 năm, tôi đã đến Tam Cốc- Bích Động, khi đó du lịch ở Ninh Bình còn đang rất hoang sơ, chưa có sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp, nhà nước cũng chưa quản lý chặt chẽ, người dân làm du lịch theo hướng tự phát…Đến nay Tam Cốc - Bích Động đã thay đổi rất nhiều, được đầu tư, quy hoạch rất tốt, quản lý bài bản…Tuy nhiên ở đây vẫn xuất hiện những hiện tượng không "đẹp" làm du khách cảm thấy không hài lòng như: đeo bám khách, xin tiền, chụp ảnh…
Trong quá trình phát triển du lịch ở Ninh Bình, tôi thấy có một số vấn đề về môi trường, sinh thái mà trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý lâu dài Ninh Bình cần phải quan tâm. Lợi thế của Ninh Bình nói chung và của Tam Cốc- Bích Động nói riêng là du lịch sinh thái. Nếu chúng ta để ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường du lịch, cảnh quan bị con người tác động, khai thác… làm biến đổi quá nhiều thì sẽ không còn là thu hút được khách |
|
Vấn đề nguồn nước tại các khu sinh thái hiện tại thì chưa có vấn đề lớn nhưng nếu Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản thế giới thì sẽ thu hút rất đông du khách về đây, kéo theo đó là những dịch vụ du lịch để phục vụ du khách xung quanh khu sinh thái như vậy nước thải và rác thải sinh hoạt sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường ở khu di sản. Hiện nay, xung quanh khu sinh thái đã có một số nhà xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan. Điều này đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để sự phát triển phù hợp quy định của UNESCO và định hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Trần Thế Dũng
(Công ty Du lịch Thế hệ trẻ Tp. HCM)