PV: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong sản xuất vụ đông 2012-2013.
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Vụ đông năm 2012 - 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, thời vụ, nhưng với kinh nghiệm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong sản xuất vụ đông và sự nỗ lực của người nông dân nên đã đạt kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích cây vụ đông đạt 4.108 ha, trong đó diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa 2.480 ha, bằng 33,2% diện tích đất 2 lúa. Năng suất, sản lượng một số cây trồng vụ đông năm 2012 - 2013 đều đạt ở mức khá như: Ngô đại trà năng suất đạt 39,7 tạ/ha, ngô ngọt năng suất đạt 140 tạ/ha, khoai tây năng suất đạt 177,9 tạ/ha, đậu tương năng suất đạt 13,1 tạ/ha, dưa chuột năng suất đạt 231,1 tạ ha, bầu bí năng suất đạt 232,5 tạ/ha, rau các loại năng suất đạt 209,5 tạ/ha. Tổng giá trị sản phẩm vụ đông đạt 195 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với năm 2011 - 2012; giá trị bình quân sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 47,4 triệu đồng.
Nét nổi bật của vụ đông 2012- 2013 là cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, giá trị cao, thu nhập cao cho nông dân. Sản xuất vụ đông tiếp tục được duy trì, phát triển ở các đơn vị có truyền thống, có thế mạnh sản xuất vụ đông như: cây bí xanh, khoai tây ở Khánh Hải; rau các loại ở Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh; ngô ngọt ở Khánh Hòa, Khánh Trung; trạch tả ở Khánh Thủy. Các biện pháp kỹ thuật mới như trồng ngô ngọt, khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu để lách thời vụ, giảm chi phí lao động được thực hiện có hiệu quả. Các xã, HTX như: Khánh Hải, Khánh Hồng, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Hòa… đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty, thương lái và nông dân tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm vụ đông cho bà con nông dân, góp phần phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
PV: Mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp trong sản xuất vụ đông năm 2013 - 2014 của huyện là gì thưa đồng chí ?
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Vụ đông năm 2013 - 2014, toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 4.800 ha, giá trị sản phẩm đạt 210 tỷ đồng, bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha cây vụ đông đạt 43,7 triệu đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, Yên Khánh chỉ đạo các địa phương, nông dân chú trọng phát triển sản xuất vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, lợi thế của từng vùng như: ngô các loại, bí xanh, dưa chuột, rau các loại. Khuyến khích gieo trồng một số cây trồng mới như: đậu tương, rau, cải bó xôi, ngô nếp, cà chua nhót. Tổ chức sản xuất gieo trồng cây vụ đông theo hướng gọn vùng, theo quy hoạch để đảm bảo thuận lợi cho tổ chức các khâu dịch vụ sản xuất, liên kết trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước hình thành vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa tập trung, vùng cánh đồng mẫu lớn 3 vụ.
Thăm mô hình trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Thượng Kiệm (Kim Sơn). Ảnh: Đức Lam
Các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp đã bám sát kế hoạch của UBND huyện, trên cơ sở điều kiện, khả năng của địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy hoạch, xác định diện tích, cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất cây vụ đông để tập trung chỉ đạo thời vụ gieo trồng, tổ chức làm đất, tưới tiêu, ứng dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hình thành vùng sản xuất tập trung. Chủ động liên hệ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng giống đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, chủng loại, ký kết hợp đồng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách của huyện, của đơn vị về sản xuất vụ đông; hướng dẫn về thời vụ gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, giới thiệu các mô hình sản xuất vụ đông có hiệu quả, các biện pháp kỹ thuật thâm canh, giống cây trồng mới, kịp thời biểu dương những điển hình, cá nhân, đơn vị làm tốt sản xuất vụ đông để nhân rộng. Theo dõi diễn biến của thời tiết, chỉ đạo chặt chẽ việc gieo trồng các cây trồng vụ đông, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động mọi nguồn lực để gieo trồng cây trồng vụ đông, thu hoạch đến đâu làm đất gieo trồng cây trồng vụ đông ngay đến đó với phương châm "Sáng lúa - chiều cây vụ đông" để đảm bảo thời vụ cho cây vụ đông.
PV: Những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất vụ đông năm 2013 - 2014 ?
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Bước vào sản xuất vụ đông năm 2013 - 2014 có rất nhiều thuận lợi là Đề án của UBND tỉnh Ninh Bình về việc hỗ trợ sản xuất cây vụ đông giai đoạn 2010 - 2015 tiếp tục được thực hiện, đây thực sự là động lực thúc đẩy phong trào phát triển cây vụ đông trên địa bàn huyện. Thời điểm thu hoạch lúa mùa tập trung từ 20-9 đến 5-10 sớm hơn các năm trước từ 7- 10 ngày là điều kiện thích hợp để bố trí đất và thời vụ để gieo trồng cây vụ đông, kể cả cây vụ đông ưa ấm và ưa lạnh. Các cấp, các ngành trong huyện đã có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sản xuất vụ đông, nhất là kinh nghiệm chỉ đạo chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, phòng, chống hạn, lũ lụt và phòng trừ sâu bệnh. Các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng tiếp tục được hoàn thiện, cải tạo, phục vụ kịp thời cho nhu cầu tưới, tiêu. Các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật thâm canh, phân bón, phòng trừ sâu bệnh; cơ giới hóa trong sản xuất tiếp tục được ứng dụng nhanh trên địa bàn.
Bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất vụ đông năm nay cũng gặp không ít khó khăn là thời tiết diễn biến phức tạp. Lao động trong nông nghiệp có xu hướng giảm dần, thiếu lao động ở thời điểm khẩn trương về thời vụ. Thị trường vật tư và hàng hóa nông sản biến động. Giá các loại vật tư nông nghiệp vẫn còn ở mức cao, giá bán nông sản vụ đông không ổn định. Đây chính là những vấn đề đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của ngành chức năng nhằm bình ổn giá vật tư giúp nông dân yên tâm sản xuất không chỉ ở vụ đông mà ở tất cả các vụ trong năm. Có như vậy sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững.
PV: Xin cảm ơn đồng chí !
Thanh Chiên (Thực hiện)