Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.472 ha (trong đó có 5 khu công nghiệp đã xây dựng và đi vào hoạt động, thu hút 109 dự án với tổng vốn đăng ký 55.757 tỷ đồng và 25 cụm công nghiệp với diện tích 994,3 ha, trong đó có 15 cụm công nghiệp có quy hoạch chi tiết, thu hút 75 dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp tại Ninh Bình tập trung chủ yếu ở các ngành, như: dệt may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử, lắp ráp ôtô, đóng tàu, hóa chất, thép, vật tư y tế, công nghệ vật liệu mới, sản xuất phần mềm,... góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử có đóng góp lớn cả về số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Với 5 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử (camera modul, dây tai nghe điện thoại, bản dẫn vi mạch, kính máy ảnh) xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ấn Độ, In đô nê xia...
Công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp tô bước đầu trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn cho ngân sách của địa phương. Với công suất 20 triệu chiếc cần gạt nước ô-tô/năm, Công ty TNHH ADM21 xuất khẩu chủ yếu sang thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Công ty cổ phần Sejung (tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, công suất 570.500 sản phẩm/năm) với sản phẩm chủ yếu là ống xả, linh kiện ống xả, động cơ. Công ty cổ phần ô-tô Hyundai Thành Công Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu), sản lượng sản xuất, lắp ráp ô-tô đạt hơn 17.000 chiếc…
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành may mặc, giầy da dần trở thành chủ lực trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Có thể nhắc đến một số doanh nghiệp tiêu biểu, như: Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang (thành phố Ninh Bình); Công ty TNHH Athena Việt Nam; Nhà máy sản xuất, gia công giầy dép của Công ty TNHH sản xuất giầy Chung Jye Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu London FIELD thuộc Công ty TNHH NAM & CO LONDON… đã thu hút và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa cao. Hầu hết các máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xi măng, clanke, may mặc, giày dép, điện tử trên địa bàn tỉnh chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc được cung cấp từ các nhà máy sản xuất ngoài tỉnh.
Trước mắt, tỉnh đang tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp sản xuất ô tô. Hiện nay, Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc để hợp tác sản xuất công nghiệp ô tô có quy mô 10.000 tỷ đồng gồm sản xuất lắp ráp xe du lịch, xe khách, xe búyt, khu sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô với công suất đến năm 2021 đạt sản lượng 120.000 xe/năm.
Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp với quan điểm, chiến lược, mục tiêu, định hướng của Chính phủ đã đề ra trong Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyễn Thơm