Những điển hình cần nhân rộng.
Đưa chúng tôi đi tham quan khu nuôi lợn mới xây kiên cố và sạch sẽ, anh Phạm Sỹ Báu (tổ 12, phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp) tâm sự: Trước đây gia đình tôi cũng nuôi lợn nhưng chỉ dừng lại ở vài con một năm, sau khi xuất chuồng, hạch toán chi phí có khi còn lỗ, bởi sản xuất nhỏ lẻ, lượng sản phẩm tiêu thụ không đều. Thông qua các kênh thông tin, gia đình anh đã quyết định tập trung vốn, đầu tư xây gần 10 gian nuôi kiên cố theo hình thức nuôi công nghiệp, mỗi gian có khả năng nuôi 10 con lợn thịt, tương đương khoảng 1 tấn mỗi lứa. Xuất chuồng lứa đầu tiên, gia đình anh thu lợi nhuận cao hơn nhiều so với chăn nuôi trước đây. Mỗi năm trừ chi phí, nuôi lợn thịt theo hướng tập trung, gia đình anh có lãi hàng trăm triệu đồng.
Cũng giống như gia đình anh Báu, gia đình ông Đinh Sỹ Chung có trang trại tại xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp) trước đây nuôi gà theo hình thức nuôi thả, có năm đàn gà chết gần hết do dịch bệnh. Từ nhận thức được, để thu được lợi nhuận cao và an toàn dịch bệnh, cần phải thay đổi phương thức và quy mô chăn nuôi, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại, học hỏi kinh nghiệm nuôi gà lấy trứng an toàn sinh học theo hình thức tập trung với quy mô vừa. Sau một thời gian đưa vào nuôi thực tế, sản phẩm đã được người tiêu dùng ưa chuộng, thời gian nuôi ngắn hơn phương pháp thông thường, trong khi đó dịch bệnh lại được hạn chế một cách tối đa. Với phương châm đặt an toàn dịch bệnh lên hàng đầu, khách hàng đến trang trại đều phải mặc quần áo bảo hộ và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng trước khi bước vào cổng, nhờ thế mà trang trại nuôi gà của gia đình ông không xảy ra dịch bệnh và đem lại hiệu quả cao.
Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng anh Nguyễn Văn Cường (tổ 18, phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp) đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Anh đã xây dựng khu nuôi lợn riêng biệt, đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh. Mỗi năm trang trại đều đặn xuất chuồng hàng chục tấn thịt hàng hóa, mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ.
Cần quy hoạch mang tính toàn diện và lâu dài
Trên đây chỉ là một số mô hình chăn nuôi tập trung trên địa bàn thị xã Tam Điệp đã và đang đem lại những hiệu quả to lớn cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá của Sở Nông nghiệp & PTNT, hình thức chăn nuôi tập trung vẫn còn nhiều bất cập. Nếu xét trên diện rộng thì chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính chất manh mún và tự phát. Nhiều hộ gia đình có xu hướng chuyển sang chăn nuôi tập trung, nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên quy mô còn nhỏ lẻ. Ngoài ra, các vấn đề về an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm một cách đúng mức. Như trường hợp anh Báu, tuy đã chuyển sang hình thức chăn nuôi với quy mô lớn hơn, nhưng trong khâu chọn giống, gia đình anh cũng chỉ mua ở các chợ mà chưa có sự chọn lọc từ các trung tâm giống đáng tin cậy. Mặc dù đàn lợn đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng công tác tiêu độc, khử trùng và vệ sinh môi trường quanh khu vực chuồng trại vẫn chưa thực sự được quan tâm. Nhìn ở góc độ tiêu thụ sản phẩm, không phải ai cũng đủ năng lực phân tích thị trường tiêu thụ để mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có trên 430 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi chỉ chiếm một phần khá nhỏ (75 trang trại).
Theo đồng chí Đinh Văn Bích, Trưởng Phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp & PTNT): Để phát triển chăn nuôi tập trung, trước tiên cần phải có quy hoạch, công tác này cũng đang được ngành chuyên môn thực hiện. Quy hoạch chăn nuôi cần phải phù hợp với đặc điểm sinh thái và lợi thế của từng vùng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Quy hoạch phát triển khu chăn nuôi gắn liền với các cơ sở giết mổ, chế biến, cung ứng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, thuốc thú y... Bên cạnh đó phải gắn kết được các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Từng bước áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh và phục vụ cho xuất khẩu.
Cùng với công tác quy hoạch, hiện nay ngành chuyên môn cũng đang nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, trước mắt người nông dân cần chủ động tìm hiểu để có thể tiếp cận được với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo quyết định của Chính phủ, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc để có thể chuyển sang hình thức chăn nuôi tập trung một cách an toàn và hiệu quả.
Bài, ảnh: Khánh Vân