Một trong những giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi mà Khánh Thủy thực hiện đó là phát triển vùng chăn nuôi tập trung, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo các phương thức gia trại, trang trại để từng bước thay thế cho phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đó, xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, vừa tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu mở rộng diện tích trang trại, vừa tiện cho quy hoạch hệ thống xử lý nước thải trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát được dịch bệnh.
Cùng với đó, trước thông tin về thực phẩm bẩn thời gian gần đây, xã đã yêu cầu các hộ chăn nuôi có từ 100 con trở lên ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, 100% số hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cam kết không bán thuốc và thức ăn chứa chất cấm…
Qua đó, đã giúp nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để hạn chế dịch bệnh, nâng cao giá trị kinh tế.
Ông Đỗ Văn Ước, một trong những trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn của xã Khánh Thủy cho biết: Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là một thách thức đối với những người nông dân.
Bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống dân cư mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả chăn nuôi. ý thức được điều này, ngay từ ngày khởi nghiệp tôi đã luôn tìm hiểu để ứng dụng khoa học công nghệ, xử lý môi trường trong quy trình chăn nuôi.
Từ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, sau 12 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, ông Đỗ Văn Ước đã xây dựng một trang trại có quy mô trên 1 ha với 150 con lợn nái, hàng trăm con lợn giống, lợn thịt. Hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học với 3 dãy chuồng chăn nuôi, có hệ thống quạt gió lọc khí tự động.
Nền chuồng nuôi và hố xử lý chất thải được xây và láng xi măng để thuận tiện cho quá trình cọ rửa vệ sinh và tránh được sự thẩm thấu chất lỏng ra ngoài môi trường.
Đặc biệt, khâu vệ sinh được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng, trong đó phân vật nuôi được thu gom bán lại cho những hộ nông dân tận dụng để bón cây, còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về các bể biogas xử lý rồi mới xả thải ra môi trường.
Ngoài ra, xung quanh trang trại, ông Ước còn trồng các loại cây xanh, tạo không gian xanh thoáng mát. Ông Ước cũng là một trong những hộ nông dân đi đầu trong sử dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở địa phương.
Không chỉ phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, Khánh Thủy còn chú trọng xây dựng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi an toàn, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng bền vững, tạo sản phẩm năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao.
Đã có nhiều giải pháp được triển khai như: Xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng hầm biogas hoặc hầm xử lý chất thải chăn nuôi; áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất... Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình anh Phạm Hồng Luyện xóm 6 cũng là một trong những hộ điển hình trong thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Anh Phạm Hồng Luyện cho biết: Từ năm 1997, gia đình tôi đã triển khai nuôi lợn siêu nạc. Sau này, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, gia đình chuyển sang cung cấp lợn giống và lợn thương phẩm.
Năm 2004, khi xã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, gia đình đã quyết định đấu thầu 5 ha để chăn nuôi quy mô lớn. Một nguyên tắc được anh Luyện thực hiện đó là coi trọng phòng, chống dịch bệnh, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chú trọng mối liên kết giữa sản xuất đến tiêu dùng bằng cách giữ chữ tín trên thương trường.
Vì vậy, trang trại của gia đình hiện là một trong những đầu mối cung cấp lợn giống cho thị trường không những trong tỉnh mà còn phát triển ra các tỉnh, thành lân cận như Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội...
Thực hiện mục tiêu "Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm sạch, cạnh tranh thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi" đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của xã phát triển.
Điều đáng nói, chăn nuôi ở Khánh Thủy giờ đây đã phát triển với quy mô tập trung theo hình thức gia trại, trang trại và phong phú về chủng loại như nuôi lợn, ếch, ba ba và chăn nuôi các loại gia cầm khác. Đến nay, toàn xã có 20 hộ chăn nuôi với quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng nghìn con.
Theo thống kê, hiện tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp của xã chiếm tới 50-60%, đây đang trở thành hướng làm giàu cho người nông dân.
Mai Lan