Vài năm trở lại đây, Hội nông dân Gia Phú đã từng bước đưa những cây, con đặc sản có giá trị kinh tế vào chăn nuôi, trồng trọt, giúp cho nhiều gia đình hội viên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Theo đồng chí Vũ Hữu Mấm, Chủ tịch Hội nông dân xã: Để giúp hội viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi, trung bình mỗi năm Hội nông dân xã phối hợp với các đoàn thể khác của xã tổ chức được 4-5 lớp chuyển giao KHKT. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để gia đình hội viên sau khi nhận được sự hỗ trợ về vốn từ cơ sở Hội sẽ bắt tay vào sản xuất, chăn nuôi theo mô hình gia đình mình đã xây dựng. Bên cạnh đó, Hội nông dân xã và các chi hội đã đẩy mạnh hoạt động "tương thân tương ái" để giúp hội viên, nhất là hội viên nghèo vươn lên.
Năm nay, Hội nông dân xã đã giúp cho 2 gia đình hội viên nghèo 20 con lợn giống theo hình thức cho vay chậm trả, không lấy lãi, đến khi xuất chuồng mới thanh toán tiền giống, 10 hộ nghèo được hỗ trợ giống cây ăn quả như: xoài, quýt, cam... Hội nông dân xã còn hỗ trợ cung ứng phân bón chậm trả cho hội viên được 35 tấn. Với quỹ chi hội từ 2,5 triệu đồng- 4,5 triệu đồng/chi hội, quỹ hỗ trợ nông dân xã với hơn 40 triệu đồng, nhiều hội viên nghèo được vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Từ đặc thù của địa phương, nhiều gia đình hội viên đã chuyển đổi các diện tích ruộng trũng có giá trị kinh tế thấp sang mô hình nuôi trồng thủy sản đem lại thu nhập và giá trị cao. Các mô hình: chăn nuôi lợn, thịt, cá, tôm... dần hình thành ở nhiều hộ gia đình bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao, được nhiều hội viên nông dân học tập, triển khai thực hiện. Đặc biệt, từ 5- 6 năm nay, nhiều hội viên nông dân đã triển khai nuôi nhím, là vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Chuồng nuôi nhím của gia đình hội viên Hoàng Văn Tuấn.
Đến thăm gia đình hội viên Hoàng Văn Tuấn, chi hội 6 Đoan Bình là một trong số những hộ đầu tiên của xã tiên phong đưa nhím về nuôi. Ông Tuấn cho biết: Khi về địa phương, gia đình tôi đã triển khai nhiều mô hình kinh tế nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Một lần, nghe người anh họ ở tận Lâm Đồng giới thiệu cách nuôi nhím của nhiều hộ ở địa phương có thu nhập cao nên tôi đã "khăn gói" vào tận đó để tham quan, học tập. Tôi phải vào tận Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) để mua giống. Lúc đó khó khăn và tốn kém vô cùng vì 1 đôi nhím bố mẹ có giá 40- 50 triệu đồng, đi bằng tàu hỏa, vé của người mất có 180 nghìn đồng mà đôi nhím mất những 1 triệu đồng tiền vé... Vậy nhưng, khi nuôi, nhím không kén ăn, thức ăn lại toàn thứ dễ tìm như: ngô, khoai lang, dưa chuột... có sẵn trong vườn nên từ 1 đôi nhím bố mẹ, hiện nay đã phát triển lên16 con bố mẹ và 9 con con .
Cũng theo ông Tuấn giới thiệu thì hiện nay giá 1 đôi nhím chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng nên nhiều gia đình có thể nuôi được, không khó khăn và tốn kém như trước. Để giúp cho các hộ trong xóm cùng nuôi nhím, gia đình ông Tuấn đã cung cấp giống nhím các các hội viên nông dân khác theo hình thức: bàn giao cho hộ muốn nuôi 1 đôi nhím. Khi đạt kết quả đem bán, số tiền bán nhím sẽ được chia đôi cho người cung cấp giống và người nhận nuôi. Đã có 3 gia đình hội viên nông dân nhận nuôi nhím từ trang trại của gia đình ông Tuấn theo hình thức này. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều hội viên sẽ được ông Tuấn giúp đỡ để phát triển mô hình nuôi con đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Đối với gia đình ông Tuấn, thu nhập từ nuôi nhím mấy năm qua đã giúp gia đình ông từ hộ nghèo trở nên thoát nghèo, nuôi dạy con cái học hành, xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố. Theo giới thiệu từ Hội nông dân xã, với mô hình nuôi nhím như hội viên Hoàng Văn Tuấn sẽ cho thu nhập khoảng 80- 100 triệu đồng/năm. Thăm quan một số mô hình nuôi nhím ở Gia Phú, chúng tôi đều nhận thấy các hộ đều phấn khởi, yên tâm đầu tư nuôi giống mới vì hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm nhím rất thuận lợi.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn Hội nông dân xã còn hơn 4%. Cùng với việc triển khai các mô hình kinh tế quen thuộc, gắn bó lâu nay với hội viên nông dân trong xã, Hội nông dân Gia Phú phấn đấu từng bước mở rộng mô hình chăn nuôi nhím nói riêng, các con đặc sản có giá trị kinh tế cao nói chung để góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân trong xã.
Bài, ảnh: Lý Nhân