Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những đóng góp của các nhà giáo trong những năm học qua, đặc biệt là năm học 2019-2020?
Đồng chí Trịnh Duy Nghĩa: Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động cơ bản đạt yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp và chuẩn cán bộ quản lý theo quy định. Đồng thời luôn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành; tận tụy với công việc, có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, hoàn thành công việc được giao, góp phần tích cực vào sự thành công của quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để phát huy vai trò của các nhà giáo, Công đoàn Giáo dục tỉnh thường xuyên phát động thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành. Hằng năm chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và phối hợp với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát động các phong trào thi đua, trọng tâm như: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" trong nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Chất lượng giáo dục trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự đóng góp quan trọng của các nhà giáo. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mầm non, tỷ lệ học sinh học lực yếu và chưa hoàn thành chương trình lớp học ở tất cả các cấp học đều giảm, tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi tăng nhanh. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề có chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.
Kết quả các kì thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng, thi tốt nghiệp THPT của Ninh Bình trong 5 năm qua luôn đứng ở tốp 5 tỉnh, thành phố có kết quả cao trong toàn quốc. Thành tích các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ổn định. Tại các cuộc thi, hội thi, sân chơi mang tính tự nguyện…, học sinh Ninh Bình đều đạt được thành tích tốt. Trong 5 năm qua, Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình liên tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt xuất sắc.
Phóng viên: Ngành Giáo dục đã quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần các nhà giáo như thế nào để họ tận tâm cống hiến?
Đồng chí Trịnh Duy Nghĩa: Hiện nay, tổng số cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành là 15.659 người, trong đó khối trực thuộc là 1.998 người.
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhà giáo, người lao động ngày càng được quan tâm, chăm lo, cải thiện hơn. Các cấp Công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động, chia sẻ, hỗ trợ, tạo động lực để cán bộ, nhà giáo, người lao động vươn lên. Tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm; hỗ trợ hàng trăm nhà giáo bị ốm đau dài ngày, gặp rủi ro đột xuất; tặng quà cho người lao động trong ngành nghỉ hưu, chuyển công tác; hỗ trợ gia đình nhà giáo bị mất đột ngột, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... C
ông đoàn ngành cũng tiếp tục hợp tác và ký kết các thỏa thuận hợp tác mới hằng năm từ các thỏa thuận, phúc lợi mà cán bộ, nhà giáo, người lao động được hưởng ưu đãi, theo thống kê từ các đối tác là gần 1 tỷ đồng mỗi năm, cho hàng nghìn lượt đoàn viên được hưởng thụ. Chủ động tìm kiếm, vận động tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ để tăng nguồn lực cho các hoạt động; tham gia xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng tăng phúc lợi và thu nhập cho người lao động; giải quyết các chế độ phụ cấp, đặc thù cho người lao động; thực hiện tốt việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động...
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, Công đoàn ngành chỉ đạo công đoàn cơ sở các đơn vị chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực động viên đội ngũ phấn khởi, ổn định cuộc sống, nâng cao chất lượng công tác. Giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách theo quy định và các điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường làm việc cho cán bộ, nhà giáo, người lao động.
Tham gia bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên tại các hội đồng thi đua khen thưởng các cấp; giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, đóng BHXH, BHYT, BHTN…. Tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, các CLB thu hút đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia; kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình đời sống, tâm tư của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động để có phương án tháo gỡ.
Phóng viên: Trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, ngành đã chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ như thế nào để các nhà giáo thêm gắn bó với nghề?
Đồng chí Trịnh Duy Nghĩa: Thực hiện Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 25/4/2017 của UBND tỉnh về việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Thực hiện rà soát đội ngũ giáo viên, điều động, bố trí hợp lý theo biên chế được giao, đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp và chủng loại giáo viên, nhân viên theo đúng quy định, đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; khắc phục tình trạng mất cân đối, không đồng bộ về cơ cấu, chủng loại giáo viên ở cấp Tiểu học và THCS. Tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, 2. Tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các yêu cầu của hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý hồ sơ chuyên môn, quản lý kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc). Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên.
Đồng thời tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Phối hợp với Sở Nội vụ cử cán bộ, viên chức đi đào tạo thạc sĩ, bồi dưỡng trung, cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Kiện toàn, luân chuyển công tác đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhằm phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ...
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cơ bản đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện tại, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về đào tạo: Mầm non đạt 96,3%, Tiểu học đạt 69,1%, THCS đạt 91,5%, THPT đạt 100%, GDTX đạt 100%; đạt trên chuẩn về đào tạo: Mầm non đạt 85,6%, Tiểu học đạt 0,6%, THCS đạt 3,7%, THPT đạt 25%, GDTX đạt 20,3% (theo Luật Giáo dục 2019).
Phóng viên: Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình đã có các hoạt động chào mừng như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Duy Nghĩa: Hướng tới kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, ngành GD-ĐT đã và đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THPT lần thứ VIII, năm học 2020-2021. Tổ chức Giải Cầu lông cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV, năm 2020. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi GDTX cấp THPT tỉnh Ninh Bình. Đồng thời gặp mặt cán bộ, công chức cơ quan Sở kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 100% các cơ sở giáo dục tổ chức hội giảng, văn nghệ, thể thao nhằm thi đua "Dạy tốt - Học tốt" theo chủ đề "Đổi mới - Sáng tạo trong dạy và học"… Cùng với đó, ngành cũng tham mưu với tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, chúc mừng một số cơ sở giáo dục và nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11...
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân (thực hiện)