HTX nông nghiệp Đông Thượng (xã Khánh Thượng, Yên Mô) là một trong những HTX điển hình của tỉnh trong việc đẩy mạnh chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và cũng là HTX tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, làm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Ông Ngô Xuân Hanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thượng cho biết: Hiện nay, HTX thực hiện tất cả các dịch vụ nông nghiệp theo đúng quy chế hoạt động mới như: dịch vụ dẫn nước, dịch vụ làm đất, dịch vụ bảo vệ đồng, dịch vụ diệt chuột, dịch vụ bảo vệ thực vật và khoa học kỹ thuật, dịch vụ cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng.
Đặc biệt, phát huy vai trò của HTX trong xây dựng NTM, những năm gần đây HTX đã chỉ đạo, vận động nhân dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa.
Do đó, HTX có trên 50% diện tích cấy lúa được gieo trồng bằng các giống lúa chất lượng cao có khả năng kháng sâu bệnh. Trong công tác dồn điền, đổi thửa, HTX tham mưu cho UBND xã xây dựng đề án, vận động, tổ chức họp dân, tham gia quy hoạch lại đồng ruộng...
Đến nay bình quân mỗi hộ có 1,4 mảnh ruộng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa và áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến vào sản xuất; 100% diện tích được bà con xã viên thực hiện bằng phương thức gieo thẳng, giảm rất nhiều công lao động, giảm chi phí, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xã Khánh Thượng là xã thuần nông nên vai trò của HTX càng quan trọng trong xây dựng NTM, nhất là trong việc thực hiện tiêu chí thu nhập.
HTX nông nghiệp Đại Thành cũng là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho bà con xã viên và góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng NTM của xã Khánh Thành (Yên Khánh).
Ngoài phục vụ tốt các dịch vụ nông nghiệp cho xã viên, Ban quản trị HTX nông nghiệp Đại Thành đã nghiên cứu, tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế phù hợp để xã viên áp dụng và nhân rộng.
Cùng với sự nỗ lực của HTX, các xã viên rất năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa vào thử nghiệm nhiều cây trồng mới.
Hiện nay, ở HTX Đại Thành đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Văn Thúy, Chủ nhiệm HTX Đại Thành cho biết: Mỗi năm HTX Đại Thành có hàng trăm ha trồng các cây trồng xuất khẩu, vụ đông khoảng 160 ha và 35 - 40 ha ở vụ xuân.
HTX đã mạnh dạn chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây xuất khẩu như dưa chuột bao tử, cà chua nhót, rau rút, mướp đắng..., có giá trị thu nhập trên 400 triệu đồng/ha/năm.
Đồng thời cải tạo 16 ha vườn tạp để trồng các cây dược liệu như cây bạch chỉ, bạch truật..., có thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với việc hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ về nguồn giống, HTX còn liên kết với các doanh nghiệp (Công ty giống cây trồng Hà nội, Công ty cổ phần thực phẩm á Châu...) bao tiêu sản phẩm, giúp bà con xã viên yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, HTX cũng làm tốt công tác tham mưu cho xã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; tập trung nguồn lực tu sửa và xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi gắn với xây dựng giao thông nội đồng.
Tại tỉnh ta, thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, HTX nông nghiệp nếu phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Điều này thể hiện rõ dưới ba góc độ: Làm tốt dịch vụ cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và tích lũy từ hoạt động sản xuất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.
Hiện nay toàn tỉnh có 275 HTX nông nghiệp, các HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và một số ít HTX ngành nghề mới thành lập như HTX nấm, HTX sinh dược, HTX sản xuất dịch vụ, HTX trang trại… Tuy còn ở mức độ khác nhau nhưng các HTX đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên.
Các hoạt động dịch vụ sản xuất như tưới tiêu, bảo vệ thực vật, giống, phân bón... đặc biệt là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa những giống cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất của HTX đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động liên kết được đẩy mạnh, đã xuất hiện các mô hình liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác để tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết.
Qua đó đã tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều HTX điển hình trong liên kết tiêu thụ sản phẩm như HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc), Đồng Xuân Tiến (Khánh Thành), HTX liên doanh sản xuất nấm (huyện Yên Khánh), HTX liên doanh các trang trại Phú Long... đã ký hợp đồng với các công ty trong và ngoài tỉnh, tiến hành sản xuất và tiêu thụ hàng nghìn tấn lương thực và rau màu thực phẩm cho các hộ xã viên.
Trong công tác dồn điền, đổi thửa, các HTX nông nghiệp đóng vai trò chính trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện, quy hoạch, phân vùng sản xuất ở trên địa bàn HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 71 xã hoàn thành xong công tác dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích trên 26.500 ha, số thửa sau dồn đổi giảm còn 1,99 thửa/hộ (trước đây 4,63 thửa/hộ).
Cùng với đó, các HTX nông nghiệp tích cực phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt trong xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua việc huy động xã viên, nông dân đóng góp tiền của, sức lao động.
Ở những HTX sản xuất, kinh doanh giỏi, vốn quỹ lớn, hàng năm còn đóng góp cùng chính quyền địa phương tu bổ, xây dựng đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng; hỗ trợ địa phương xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, nhà trẻ, mẫu giáo....
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế: hoạt động nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu cơ sở sản xuất... Sự tác động của HTX để đưa nền sản xuất nông nghiệp hiện nay sang nền sản xuất tập trung, hàng hóa lớn và hiệu quả kinh tế còn rất hạn chế.
Phần lớn các HTX chỉ mới dừng lại ở những hoạt động mang tính chất phục vụ, sản xuất, chưa thực hiện được các hoạt động tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế hộ xã viên theo hướng sản xuất hàng hóa như: chế biến, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp vốn, phát triển ngành nghề nông thôn...
Theo ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian tới, để hoạt động HTX nông nghiệp đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời có những bước đi phù hợp để các mô hình HTX được thay đổi về chất một cách bền vững.
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần nhận thức một cách đúng đắn vị trí, vai trò của các HTX nông nghiệp và có sự quan tâm, đầu tư về mọi mặt để phát triển kinh tế HTX, làm nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh n
Hồng Giang