Kỳ cuối: Cần có chính sách đột phá để thu hút doanh nghiệpKhông ai có thể phủ nhận vai trò đầu tầu của doanh nghiệp trong "tái cơ cấu ngành nông nghiệp", chính vì thế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Việc thu hút doanh nghiệp cũng như tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả rất cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Khó thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 30 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên, nếu so với tổng số 550 dự án của toàn tỉnh thì số dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là rất ít, chỉ chiếm khoảng 5,5%, số vốn đăng ký cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1.900 tỷ đồng /10.429.611 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; lĩnh vực trồng trọt chiếm tỷ lệ không đáng kể.Điều đó chứng tỏ nông nghiệp là ngành kém hấp dẫn đối với doanh nghiệp hơn so với các ngành công nghiệp, thương mại và xây dựng.
Đánh giá về việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết: Hiện nay, các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, phần lớn là theo hình thức trang trại, gia trại, giá trị đem lại chưa cao.
Việc chuyển đổi từ loại hình trang trại, gia trại của các hộ cá nhân, gia đình lên hình thức doanh nghiệp để thực hiện các dự án đã có nhưng số lượng không nhiều. Tỷ lệ vốn thực hiện của các doanh nghiệp so với tổng mức đầu tư đăng ký còn thấp dẫn đến hiệu quả và giá trị đóng góp chưa cao.
Cũng bởi vậy mà có rất ít các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi đó, một số lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh Ninh Bình có tiềm năng phát triển như trồng và chế biến rau, củ, quả an toàn; nuôi trồng thủy sản tại các vùng đất trồng lúa kém hiệu quả... lại chưa được đề cập đến trong Nghị định số 210 của Chính phủ.
Để khắc phục những hạn chế của Nghị định 210, Ninh Bình đã có Nghị quyết "Ban hành quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020". Trong bối cảnh hiện nay Nghị quyết này được xem như "cú hích" thúc đẩy sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên đến hết năm 2016, mới chỉ có 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được thẩm tra hỗ trợ, đến nay đã có 3 dự án được UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ với tổng mức hỗ trợ 30,235 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương 17,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 12,935 tỷ đồng). Ngoài ra, UBND tỉnh Quyết định hỗ trợ cho 1 dự án chỉ sử dụng nguồn ngân sách tỉnh với mức hỗ trợ 405 triệu, thời gian hỗ trợ trong 5 năm.
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp trên thực tế thì không phải chỉ cần có chính sách hỗ trợ mà quan trọng là phải có quỹ đất, tư liệu sản xuất trong nông nghiệp. Điều kiện này chỉ thực hiện được tốt nhất khi có sự vào cuộc của Nhà nước với những quy định về chính sách đất đai để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trưởng phòng kế hoạch- tài chính, Sở NN và PTNT "hiến kế" cho chính sách tích tụ ruộng đất: Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nên chăng tỉnh cho phép các địa phương thành lập "ngân hàng quỹ đất". Các hộ dân có đất nhưng không đầu tư sản xuất có thể gửi vào ngân hàng theo mức lãi suất thị trường điều tiết, hoặc ngân hàng có thể đi huy động đất từ nông dân để cho doanh nghiệp thuê lại với mức lãi suất cao hơn. Nếu giải quyết được vấn đề này thì bài toán thu hút đầu tư vào nông nghiệp mới có lời giải thỏa đáng.
Ngoài nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai thì Nhà nước cần phải có các chính sách đột phá đồng bộ để đẩy mạnh đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, đầu tư trong nông nghiệp; tạo hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh thuận lợi hơn để tạo đòn bẩy và bệ đỡ cho ngành Nông nghiệp phát triển là quan điểm mà nhiều doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn.
Cần có chính sách đồng bộ
Theo ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty giống và con nuôi Ninh Bình: Nghị định 210/2013 còn thiếu tính khả thi và chưa đủ mạnh để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, một lĩnh vực nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác. Vì thế, chính sách Nhà nước nên hướng vào giải quyết các yếu tố là cản trở lớn đối với DN đầu tư như: đất đai, quy hoạch, hạ tầng, tín dụng, "bội ước" trong hợp đồng…
Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho DN khi thực hiện các dự án như thuê đất, chính sách cụ thể với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. DN nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thiên tai nên khi ký kết bao tiêu sản phẩm cần có chế độ bảo hiểm để DN yên tâm sản xuất.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều chương trình, hội nghị kết nối cung cầu với các tỉnh, các khu vực trong nước, qua đó có nhiều bản ghi nhớ/hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, nhà phân phối, trung tâm thương mại về cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ như: Hội thảo xúc tiến thương mại nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Qua đó, một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp (Sở Nông nghiệp & PTNT) và một số HTX nông nghiệp về liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;Hội nghị liên kết, xúc tiến thương mại giữa Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá, tìm hiểu thị trường Hà Nội để đưa các loại nông sản đặc sản của tỉnh phục vụ người tiêu dùng thủ đô…
Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tổ chức hội nghị trao đổi, gặp gỡ các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tiếp thu ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp về khó khăn và vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải đồng thời bàn các biện pháp tháo gỡ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển;
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đỗ Văn Miền khẳng định: Tỉnh luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các DN đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung các giải pháp then chốt như xác định đúng vai trò của Nhà nước, chính sách tạo thuận lợi cho sử dụng đất đai có hiệu quả, cơ chế, chính sách về thương mại, đầu tư, hạ tầng, tài khóa, tiền tệ, tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo nghề...
Kỳ 1: Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung
Kỳ 2: Liên kết sản xuất- hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện đại
Xuân Trường