Kỳ 2: Liên kết sản xuất- hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện đại Trong liên kết sản xuất nông nghiệp thì doanh nghiệp và nông dân là 2 chủ thể chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là "đầu tàu", là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Chuyển động ở Đồng Phong
Chúng tôi về xã Đồng Phong (Nho Quan) đúng dịp HTX Nông nghiệp Đồng Phong đang tổ chức trồng khoai sọ trên diện tích 40 ha của 2 thôn Phong Thành và Liêu Thượng. Nhìn hình ảnh gần chục chiếc máy làm đất, tách luống rầm rập chạy trên cánh đồng rộng hút tầm mắt không bị ngăn cách bởi bờ vùng, bờ thửa, tiếng động cơ của máy móc, tiếng người cười nói của vài người nông dân đi theo để phụ bỏ giống trong đầu tôi cứ văng vẳng câu hát "trên công trường rộn tiếng ca".
Có lẽ cũng không ngoa khi nói đây là "công trường" bởi cách đây vài năm, 40 ha đất khu vực này của xã Đồng Phong đến mùa vụ chỉ loáng thoáng có vài hộ tiếp tục sản xuất, điều kiện thủy lợi nội đồng khó khăn nên không ít hộ đã bỏ đất hoang nhiều năm.
Khi doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, cánh đồng rộng mênh mông bỗng trở nên trù phú đầy sức sống với những thửa khoai tây, khoai sọ đều tăm tắp. Có được kết quả trên là do xã Đồng Phong đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình thuê đất với diện tích 40ha trong thời hạn 10 năm, để trồng khoai tây xuất khẩu, khoai sọ và sản xuất lúa chất lượng cao. Người dân khi cho thuê đất được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng làm công nhân nông nghiệp trong doanh nghiệp với mức lương ổn định từ 120.000-150.000đ/người/ngày.
Ông Bùi Phú Hào, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Phong cho biết: Trước kia sản xuất nông nghiệp ở địa phương phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên nên hiệu quả không cao, dẫn đến nhiều hộ dân không mặn mà với đồng ruộng. Khi xã có chủ trương cho doanh nghiệp thuê đất thì một số hộ vẫn chưa hiểu nên không đồng tình.
Để vận động bà con giao đất cho doanh nghiệp làm, HTX đã hạch toán năng suất, giá trị từng sào của các loại cây như lúa, ngô, lạc... để bà con biết được mình làm có lãi hay không và kết hợp với doanh nghiệp cho thuê đất, như vậy bà con sẽ hiểu và giao đất cho doanh nghiệp làm.
Xã đang phấn đấu trong năm 2016 tích tụ thêm 20ha đất đồi khô cằn cho doanh nghiệp thuê để giúp bà con tăng thêm thu nhập. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, công ty, gia đình và cá nhân có khả năng thầu lại diện tích của những hộ không có nhu cầu hoặc sản xuất không có hiệu quả những cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Trong khi dồn điền đổi thửa ở một số địa phương trong huyện Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung còn nhiều khó khăn, thì ở Đồng Phong đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình tích tụ ruộng mang lại giá trị kinh tế không nhỏ cho cả chủ đất và người thuê đất.
Về vai trò của doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Trịnh Đức Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Nho Quan phân tích: Trong quy trình tái cơ cấu nông nghiệp thì Nhà nước đóng vai trò định hướng và làm quy hoạch, tạo hành lang pháp lý; những dịch vụ công như kiểm dịch, tài chính, bảo hiểm, thị trường, khuyến nông, khuyến khích những người trẻ có học thức về nông thôn, từ đó tạo nên sự đồng thuận của nông dân.
Tuy nhiên, vai trò dẫn dắt đoàn tàu đó lại phụ thuộc vào doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp có khả năng am hiểu thị trường, năng lực tài chính để đưa vốn và công nghệ đi vào sản xuất hiệu quả; định hướng thị trường và gắn kết với người nông dân để họ làm ra sản phẩm theo thị trường, từ đó mới có thể khắc phục các điểm yếu của nông nghiệp tỉnh ta.
"Một nền nông nghiệp chỉ có thể mạnh khi hình thành được chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến và làm thương mại để có thể khẳng định thương hiệu cạnh tranh ở thị trường toàn cầu"- ông Trịnh Đức Hưng khẳng định.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp
Tại Ninh Bình, thời gian qua đã xuất hiện nhiều điển hình về sự hợp tác giữa chính quyền-doanh nghiệp và nhân dân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có một số doanh nghiệp đang tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản như: Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình; Doanh nghiệp Mạnh Thùy ở xã Văn Hải (Kim Sơn); Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1…
Cánh đồng liên kết giữa Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng, con nuôi Ninh Bình với nông dân Yên Khánh. Ảnh: XT
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân thông qua các HTX như: Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao; Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang; Công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tường Lân, Công ty Giống cây trồng Trung ương, DNTN Hương Nam; Công ty cổ phần Á Châu...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện có một số trang trại, hộ chăn nuôi có quy mô lớn ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp để thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm như DNTN Kim Dâng thông qua hợp đồng với Công ty TNHH Vinh Anh, là một đơn vị chuyên giết mổ gia súc tại Hà Nội để cung ứng sản phẩm thịt lợn hơi cho thị trường Hà Nội với sản lượng khoảng 30 - 40 tấn thịt hơi/tháng; Công ty TNHH một thành viên Quang Trung (có quy mô khoảng 60.000 con gà đẻ trứng) liên kết với các công ty như: Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà, bành kẹo Tràng An và đang từng bước đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị BigC…
Trong lĩnh vực thủy sản, có một số cơ sở nuôi tôm công nghiệp tại vùng nước lợ Kim Sơn đã liên kết ký hợp đồng trực tiếp với 2 nhà máy sản xuất thức ăn là Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam và Công ty TNHH Grobest để được cung ứng thức ăn trực tiếp từ nhà máy, vì vậy các cơ sở nuôi tôm này được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà máy như đại lý cấp 1.
Từ "bức tranh" về sự hợp tác này, trên bình diện chung toàn tỉnh có thể khẳng định rằng chỉ khi chính quyền, người dân và doanh nghiệp đồng lòng thì nông nghiệp có thể nhanh chóng vượt qua thời kỳ "lấy công làm lãi", tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất nông nghiệp phục vụ thị trường. Đồng thời, qua đây cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình "tái cơ cấu ngành nông nghiệp" của tỉnh Ninh Bình.
Cùng quan điểm doanh nghiệp phải là "đầu tầu" trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: Mục đích cốt lõi của "tái cơ cấu ngành nông nghiệp" là nhằm nâng cao thu nhập trên một diện tích đất. Chính vì thế, việc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua đã làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tư duy phát triển nông nghiệp nhiều vùng nông thôn.
Nhiều doanh nghiệp tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tổ chức liên kết với nông dân, các tổ chức của nông dân chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị, khai thác, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản...
Thêm vào đó, góp phần tích cực thúc đẩy tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nên các đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Cũng theo ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vai trò "đầu tầu" của doanh nghiệp trong "tái cơ cấu ngành nông nghiệp" ai cũng thấy rõ, song chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà với lĩnh vực này, đặc biệt thiếu các doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào nông nghiệp. Trong khi đó, khi tham gia hội nhập kinh tế thế giới thì nông nghiệp chính là thế mạnh của Việt Nam. Vì thế ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ hơn nữa để tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp.
Kỳ 1: Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung
Kỳ cuối: Cần có chính sách đột phá để thu hút doanh nghiệp
Xuân Trường