Kỳ 1: Nông dân và doanh nghiệp chưa tìm được "tiếng nói chung"
Từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm vẫn là một câu chuyện dài vì nông dân và doanh nghiệp (DN) chưa tìm được tiếng nói chung. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp ở các vùng sản xuất tập trung thường tiêu thụ qua trung gian, thiếu thông tin thị trường nên nông dân bị thương lái ép giá...
"Rào cản" về tư duy
Năm vừa qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã rất tích cực để thu hút một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vào đầu tư tại Khánh Hải, Yên Khánh. Doanh nghiệp cũng nhận thấy cơ hội đầu tư, nhưng khi đặt vấn đề về chính sách đất đai phải "hiệp thương" với gần 100 hộ dân đang có quyền sở hữu, doanh nghiệp đã từ chối đầu tư vì không thể đứng ra làm việc với từng hộ.
Không tạo được quỹ đất để thu hút doanh nghiệp, các hộ dân HTX Đông Mai, (Khánh Hải, Yên Khánh) đã triển khai trồng bí xanh với diện tích hơn 50 ha. Do thời tiết thuận lợi, kỹ thuật chăm sóc khá tốt nên năng suất đạt 5-7 tạ/sào. Đầu mùa, những hộ thu hoạch sớm bán được giá, khoảng 9.000 đồng/kg. Nhưng đến khi vào vụ thu hoạch ồ ạt, thị trường bão hòa, giá bán từ 9.000 xuống còn 3.000 đồng/kg. Giá xuống thấp nhưng người dân vẫn không tiêu thụ hết sản phẩm làm ra, nên chính quyền địa phương đã "gõ cửa" Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên khi doanh nghiệp xuống thu mua thì lại vướng là các hộ dân trồng bí không có giấy chứng nhận về sản xuất rau an toàn. Trong khi đó để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì yếu tố đầu tiên là phải có chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về chất lượng và an toàn. Chính vì thế doanh nghiệp không thể thu mua để phân phối ở các siêu thị được, người dân chỉ còn cách duy nhất là tiêu thụ nhỏ lẻ ở các chợ truyền thống.
Cũng từ câu chuyện thu hút đầu tư vào nông nghiệp ở Khánh Hải cho thấy, trong khi doanh nghiệp có vốn, có kỹ thuật, có thị trường thì thiếu đất; còn người nông dân có đất, muốn làm giàu trên mảnh đất của mình, nhưng chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, nên cả 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Đánh giá về việc sản xuất tự do của nông dân, ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng: Việc người nông dân sản xuất tự phát, dẫn tới được mùa rớt giá, hoặc nông sản ứ đọng một phần do nông dân thiếu thông tin về thị trường, thiếu sự vào cuộc của doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm...
Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng chính những hạn chế trong nhận thức của người nông dân đang là một rào cản lớn cho quá trình liên kết sản xuất.
Nhiều địa phương người nông dân vẫn cho rằng cho doanh nghiệp thuê đất là mình mất đi quyền sở hữu về đất. Chính vì thế dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của HTX nhưng doanh nghiệp vẫn phải bỏ cuộc do không thuê được đất để sản xuất tập trung.
Trong khi đó doanh nghiệp hiện nay không muốn giao phó sản phẩm của mình cho nông dân như trước kia mà mong muốn được chịu trách nhiệm hoàn toàn về quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh cho biết: trước kia chưa có chính sách tích tụ ruộng đất nên nguồn nguyên liệu của công ty phụ thuộc vào các hộ dân. Tuy nhiên sự liên kết này quá lỏng lẻo. Trong khi công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật nhưng đến mùa thu hoạch, thấy giá ngoài thị trường cao hơn, nông dân thu hoạch "chui" đem ra chợ tiêu thụ sản phẩm tốt, còn sản phẩm loại thì nhập về cho doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nghiệp vì người nông dân và giữ chữ tín nên phải thu mua, chứ sản phẩm không đủ chất lượng rất khó chế biến xuất khẩu.
Còn theo ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty Cổ phần TPXK Đồng Giao thì việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp không khó nhưng cái khó là tuân thủ hợp đồng. Nông dân và doanh nghiệp chưa có sự chia sẻ lợi ích, khi giá lên cao, nhiều nông dân vì lợi nhuận bán sản phẩm ra ngoài để kiếm chênh lệch, khi giá xuống thấp quay trở lại bán cho DN. Đã cam kết khi hợp đồng, DN không mua của các hộ phá vỡ hợp đồng, khiến sản phẩm khó tiêu thụ, rút cuộc nông dân "giá nào cũng bán", lợi nhuận không cao, thiếu tính bền vững.
Cần gắn kết doanh nghiệp với nông dân
Theo ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, thực tiễn giao dịch trên thị trường cho thấy, sản xuất nông nghiệp của nước ta kể cả ở những vùng tập trung đều khó khăn ở khâu tiêu thụ. Trong khi đó hiện nay, quan điểm "hỗ trợ chi phí để phát triển sản xuất" vẫn tồn tại phổ biến, trong khi quan điểm "tạo thị trường để kéo sản xuất phát triển" chưa được quan tâm đúng mức.
Theo dõi các hoạt động hỗ trợ nông dân vừa qua của ngành nông nghiệp Ninh Bình, có thể thấy một lượng lớn nhân lực, vật lực, ngân sách được chi cho các hoạt động hỗ trợ sản xuất như tập huấn, hỗ trợ giống, vật tư, vốn vay...
Đây là tư duy cũ, hỗ trợ chi phí đầu vào với kỳ vọng là nông dân sẽ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu không có thị trường tiêu thụ thì hỗ trợ sản xuất dù nhiều đến mấy cũng không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Chính sách thu hút đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chưa đủ mạnh, trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp vốn lớn, rủi ro cao khiến cho DN không mặn mà.- Ông Vũ Văn Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình nói về quan điểm của mình.
Để gắn kết nông dân với doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đỗ Văn Miền cho biết: Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho DN về nghiên cứu thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa nông sản, tạo điều kiện cho việc kết nối giữa các DN phân phối với các đơn vị sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng nông sản cấp vùng và cấp miền để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó là việc cung cấp thông tin, dự báo thị trường trong và ngoài nước về những mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực; các thông tin về thị hiếu, chính sách thuế; các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của khách hàng… để định hướng sản xuất những sản phẩm cho phù hợp và có sức cạnh tranh cao.
Sở NN&PTNT đề nghị Nhà nước nên ưu tiên các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Một vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nông dân và DN, vốn vẫn trong cảnh chưa tìm được tiếng nói chung. Nông dân cần được tập huấn kỹ về kỹ thuật, được hỗ trợ tư vấn pháp lý khi ký hợp đồng. Bên cạnh đó, DN cần có cách làm chuyên nghiệp hơn, chia sẻ lợi ích hài hòa với nông dân, coi nông dân là một trong những đối tác quan trọng trong chuỗi như các đối tác lớn trong kinh doanh.
Kỳ 2: Liên kết sản xuất- hướng đi tất yếu trong nông nghiệp hiện đại
Kỳ cuối: Cần có chính sách đột phá để thu hút doanh nghiệp
Xuân Trường