Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về mục đích, ý nghĩa, nội dung xây dựng nông thôn mới, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng và tổ chức giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Các cấp Hội cũng tham gia vận động nông dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền, thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi, từ đó nâng cao thu nhập.
Với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta đã thu được kết quả tốt đẹp.
Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 80/119 (đạt 67,2%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 đơn vị cấp huyện là huyện Hoa Lư đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được khởi sắc, ngày một văn minh hơn; cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở các vùng nông thôn được tăng cường. Vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.
Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Hội Nông dân và nông dân toàn tỉnh. Các chương trình, hoạt động của Hội ngày càng cụ thể, hướng mạnh về cơ sở, hỗ trợ nông dân, mang lại lợi ích thiết thực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội nông dân trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, tổ chức Hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để hội viên, nông dân thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường hỗ trợ, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể, tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức đa dạng như hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, công trình phúc lợi; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường nông thôn.
Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 - 2020".
Liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức, tay nghề, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, định hướng để nông dân làm chủ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt chương trình liên kết 4 nhà: "Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông" nhằm tạo dựng một nền sản xuất nông nghiệp khoa học, đồng bộ, sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó đặc biệt nâng cao tính cam kết trong hoạt động sản xuất của nông dân với doanh nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thúc đẩy phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động giảm nghèo bền vững. Xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo" về giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về "Giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020".
Với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng trong thời gian tới, cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lập, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Minh Châu