Phương hướng và những mục tiêu chủ yếu đến năm 2020.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã xác định: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, quản trị, điều hành của chính quyền các cấp; tăng cường đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của nhân dân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế (GRDP), phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển văn hóa - xã hội toàn diện; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng địa phương. Phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững".
Các khâu đột phá và chương trình trọng tâm
a. Các khâu đột phá.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng, hiệu quả du lịch, dịch vụ.
- Ban hành cơ chế quản lý; cải cách hành chính; thu hút đầu tư.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tài năng.
b. Các chương trình trọng tâm.
- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Xây dựng và quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt. Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; đẩy mạnh xuất khẩu; thu hút đầu tư.
- Xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Bảo vệ môi trường sinh thái.
- Phát triển dịch vụ du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Phát huy vai trò của văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính; quy định rõ trách nhiệm của cấp, ngành đối với từng thủ tục hành chính; thực hiện công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chất lượng và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
- Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào tự quản.
- Xây dựng Đảng trọng sạch, vững mạnh; chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện
a. Phát triển kinh tế.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo môi trường sinh thái; nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh du lịch và dịch vụ thương mại, bưu chính, viễn thông.
Tăng thu ngân sách vững chắc và quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và quản lý quy hoạch ngành, vùng kinh tế và tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
b. Phát triển văn hóa - xã hội.
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hoạt động khoa học - công nghệ.
Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, công tác gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc là cho người lao động.
Phát triển văn hóa - thông tin, truyền thông, thể dục - thể thao, phong trào thi đua yêu nước và hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
c. Tăng cường công tác quân sự, quốc phòng địa phương; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
d. Chú trọng thực hiện công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh
Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, với những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Đổi mới công tác cán bộ; thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp từ tỉnh đến cơ sở; tham mưu cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
Đổi mới phong cách, lề lối làm việc, tác phong công tác sâu sát, cụ thể, dân chủ, tập trung của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm cá nhân. Đổi mới cách ban hành nghị quyết và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, trong các cơ quan chính quyền, khắc phục tình trạng rườm rà, bất hợp lý về thủ tục; sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm.
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng quan điểm, tư tưởng, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, dân tộc. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo và đồng bào dân tộc. Phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, các tôn giáo. Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật. Đấu tranh với những hành động lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết lương - giáo. Quan tâm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào dân tộc và đồng bào có đạo.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân; hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; không ngừng phát huy vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bảo đảm việc chấp hành nghiêm pháp luật ở địa phương.
Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc của chính quyền các cấp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đặc biệt chú trọng nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh.
Kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta vô cùng phấn khởi, tự hào với những trang sử hào hùng, những kết quả quan trọng đã đạt được trong chặng đường 25 năm tái lập tỉnh (1992 - 2017). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh và những người con của quê hương Ninh Bình đang công tác, sinh sống, học tập ở trong và ngoài nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra, phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình