Nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh-người con của quê hương Ninh Bình đã đứng lên tập hợp lực lượng, dẹp loạn 12 sứ quân, thu non sông về một mối. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lập nước Đại Cồ Việt, xây dựng nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên tại Việt Nam, đặt kinh đô tại Trường Yên-Hoa Lư. Hơn 40 năm là Kinh đô của nước Việt, với 3 triều đại Đinh-Tiền Lê-Lý, Ninh Bình đã khắc một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống ấy luôn được bồi đắp, nhân lên và trở thành sức mạnh to lớn, góp phần quan trọng cùng dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng.
Ninh Bình cũng nổi tiếng là một vùng địa linh, nhân kiệt. Mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngọn núi, dòng sông đều lưu lại chiến tích vẻ vang của cha ông trong quá trình chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài cũng như khát vọng chinh phục thiên nhiên, hướng tới cuộc sống hòa bình, no ấm, hạnh phúc. Nơi đây, thiên nhiên cũng ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, làm say đắm lòng người như Tam Cốc- Bích Động; Khu sinh thái hang động Tràng An; Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, rừng Quốc gia Cúc Phương...
Thành phố Ninh Bình hôm nay.
Nằm ở cực nam đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình được nhiều người biết đến bởi sự đa dạng về điều kiện tự nhiên-xã hội. Dân số của tỉnh hiện có hơn 90 vạn người, trong đó hơn 16% số dân theo đạo Công giáo. Người dân Ninh Bình có truyền thống hiếu học, lao động cần cù, sáng tạo, coi trọng hiền tài… Về tự nhiên, Ninh Bình được chia làm 3 vùng, miền rõ rệt, đó là miền núi-bán sơn địa, đồng bằng và vùng ven biển. Trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông ngòi khá dày, lại có đường giao thông Bắc - Nam chạy qua… đó chính là những điều kiện thuận lợi cho phép Ninh Bình phát triển đa dạng, bền vững. Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi, như đạo Thanh Bình, đạo Ninh Bình, trấn Ninh Bình. Năm 1831 (đời vua Minh Mạng thứ 12), trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình. Ngày 27-12-1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26-12-1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập.
Ngày mới tái lập, Ninh Bình là một tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Quy mô kinh tế nhỏ bé, cơ cấu lạc hậu. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tới 62,9% GDP và mang nặng tính chất tự cấp, tự túc. Sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 1992 mới đạt trên 330 kg. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún; kỹ thuật công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, nhiều đơn vị quốc doanh sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Đời sống một bộ phận nhân dân rất khó khăn…
Hai mươi năm qua, thực hiện sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã đoàn kết, phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (năm 1992), lần thứ XIII (năm 1996), lần thứ XIV (năm 2001), lần thứ XIX (năm 2005) và lần thứ XX (năm 2010) đề ra, đưa Ninh Bình từ một tỉnh nghèo trở thành tỉnh có tốc độ phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với những thành tựu nổi bật là: Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá. So với năm 1992, giá trị GDP năm 2011 tăng 8,9 lần, giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 27,71 lần, giá trị dịch vụ tăng 12,4 lần, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,73 lần. Thu ngân sách năm 2011 đạt 3.392 tỷ đồng, gấp 84,8 lần năm 1992.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có bước chuyển dịch tích cực, từ một tỉnh thuần nông, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng năm 1992 chỉ chiếm 15,4% GDP, đến nay đã tăng lên 49%; dịch vụ từ 21,7% lên 36%; nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 62,9% còn 15%. Cơ cấu các vùng kinh tế có chuyển biến tích cực. Môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi đã khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển cả về số lượng và quy mô. Toàn tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 7 khu công nghiệp và 22 cụm công nghiệp. Đã có 70 dự án với tổng vốn đầu tư trên 30 nghìn tỷ đồng được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. Nhiều dự án lớn đã phát huy hiệu quả, như các Nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà; Công ty TNHH cán thép Tam Điệp; Nhà máy kính nổi Tràng An; Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình… góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tạo một diện mạo mới cho Ninh Bình.
Cùng với sản xuất công nghiệp, các ngành dịch vụ - du lịch cũng được chú trọng phát triển. Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tạo ra bước phát triển mới, đưa du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Kết cấu hạ tầng du lịch được tăng cường. Các dự án trọng điểm như Khu du lịch Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc-Bích động, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được đầu tư xây dựng và đã phát huy hiệu quả.
Số lượng khách du lịch đến tham quan Ninh Bình liên tục tăng. Năm 2011, Ninh Bình đã đón 3,6 triệu lượt du khách, tăng 5,5 lần so với năm 2005 và gấp 562,5 lần so với năm 1992. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 655 tỷ đồng, gấp 725 lần năm 1992. Ninh Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn cho du khách trong và ngoài nước, là một trong ba trung tâm du lịch của đồng bằng sông Hồng và vùng Đông bắc Việt Nam.
Hoạt động xuất, nhập khẩu cũng có bước phát triển vượt bậc, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như thảm cói, hàng thêu, thịt lợn đông lạnh, đến nay có thêm nhiều mặt hàng mới, có giá trị xuất khẩu cao, như hàng dệt may, giày vải, hoa quả đóng hộp... Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 264 triệu USD, tăng 105,5% so với năm 1992, bình quân 20 năm, mỗi năm tăng hơn 28%, giai đoạn 2006-2011 tăng mạnh nhất với hơn 51%.
Sau nhiều năm tập trung giải quyết vấn đề lương thực, an ninh lương thực của tỉnh đã được đảm bảo. Nông nghiệp đã phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều giống lúa mới, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, diện tích cây trồng vụ đông được mở rộng, nhờ đó giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác tăng nhanh. Năm 2011 đạt 86 triệu đồng/ha. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh gắn với các cơ sở chế biến và thị trường, một trung tâm nghiên cứu, sản xuất lúa chất lượng cao đang được hình thành.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện năng được đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ. Các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, ĐT 477 được Nhà nước đầu tư, nâng cấp; các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và gần 1.700 km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa. Nhiều tuyến đường mới như Bái Đính - Kim Sơn, Bái Đính - Chùa Hương đang được tích cực triển khai, tạo một kết cấu giao thông mới, hứa hẹn sự phát triển thuận lợi cho Ninh Bình. Hệ thống trạm bơm, hồ chứa nước, kênh mương, đê điều được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, bão lũ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu ổn định và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có nhà kiên cố đạt 95,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,91 triệu đồng, tăng 24,07 triệu đồng so với năm 1992. Tỷ lệ hộ được dùng điện đạt 100%, được dùng nước sạch hợp vệ sinh đạt 90,7%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) còn 9,86%, không còn hộ đói.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt nhiều thành tựu mới. Hệ thống giáo dục phát triển cả chiều rộng, chiều sâu, ở tất cả các ngành học, bậc học. Tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa, cao tầng đạt 75,9%. Số trường chuẩn quốc gia đạt trên 50% và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm học 2010-2011, các cấp học phổ thông đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,78%, xếp thứ ba toàn quốc.
Lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đã xây dựng được Bệnh viện Đa khoa 700 giường với trang thiết bị hiện đại. Một số bệnh viện chuyên khoa được thành lập mới, hệ thống y tế tuyến huyện, tuyến xã được đầu tư, nâng cấp. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong khám, điều trị được áp dụng, dịch bệnh được khoanh vùng, xử lý kịp thời.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền phát triển đa dạng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển mạnh; thể thao thành tích cao đạt thành tích xuất sắc. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện tích cực, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hiện đạt 31%. Năm 2011 đã có gần 20 nghìn lao động được giải quyết việc làm.
Hệ thống chính trị được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Phương thức, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Năm 1992 mới có 636 tổ chức cơ sở Đảng, trên 2.000 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và hơn 40 nghìn đảng viên.
Đến nay, Đảng bộ tỉnh đã có 711 tổ chức cơ sở Đảng, 3.068 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và hơn 58 nghìn đảng viên. Công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo toàn diện trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức; việc thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được tập trung chỉ đạo với nhiều cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả thiết thực. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới, theo hướng sát cơ sở, thiết thực, hiệu quả. Công tác quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại từng bước được mở rộng.
Đạt được những thành tựu trên là do có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, trong đó bài học sâu sắc được rút ra là: Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong công tác lãnh đạo, luôn quán triệt tư tưởng phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng và phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết được nghiên cứu kỹ, phù hợp với tình hình địa phương, nhiều Chỉ thị, Nghị quyết khi triển khai thực hiện đã tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong chỉ đạo điều hành giải quyết công việc tập trung, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phân công, phân cấp rõ ràng; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đoàn kết và đồng thuận cao trong xã hội. Phát động và đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng trong nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là yếu tố quan trọng tạo nên động lực đảm bảo thắng lợi mọi nhiệm vụ.
Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa…
Những thành tựu Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đạt được trong 20 năm qua là rất đáng tự hào. Những thành quả đó đã tạo ra một diện mạo mới, động lực, niềm tin và khí thế mới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phấn đấu vươn lên giành nhiều thắng lợi trong những năm tới.
Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh là dịp để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh thấy được những kết quả và ý nghĩa to lớn của những thành tựu ấy, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những mặt còn yếu kém, những thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức trong thời kỳ mới… Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, mỗi đơn vị đối với quá trình đổi mới, phát triển của quê hương Ninh Bình.
Với tinh thần đổi mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định phương hướng, mục tiêu trong nhiệm kỳ này là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc; tập trung trí tuệ, nguồn lực từng bước xây dựng nông thôn mới nhằm giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, không ngừng chăm lo đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; củng cố vững chắc hệ thống chính trị; xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Để đạt được mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể và đang được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nỗ lực thi đua thực hiện.
Tin rằng, với truyền thống của vùng đất Cố đô lịch sử, với những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã tích lũy được trong hai thập kỷ qua, với khát vọng về hạnh phúc tương lai, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo ra bứt phá mới trên tất cả các lĩnh vực, giành nhiều thành tựu hơn nữa trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Nam
UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình