PV: Phát Diệm là một trong những địa phương tiêu biểu trong phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Ninh Bình. ông có thể chia sẻ về dấu mốc quan trọng của quê hương trong những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945?
Ông Đỗ Văn Thành: Trong cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn Phát Diệm (1948-2018) có ghi: Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Phát Diệm là nơi thực dân Pháp chọn làm Khu ủy quyền đặc biệt. Để thực hiện âm mưu cai trị lâu dài, thực dân Pháp đã tổ chức xây dựng, nuôi dưỡng bọn phản động, nhất là những kẻ đội lốt đạo Công giáo, lợi dụng tín ngưỡng, lừa gạt giáo dân, nô dịch nhân dân về chính trị, đầu độc về văn hóa tư tưởng, chia rẽ lương giáo, bóc lột, vơ vét của cải, sưu cao thuế nặng, phu phen tạp dịch, hà khắc nhất là thuế thân. Cuối năm 1944, Nhật đem quân về đóng ở Kim Sơn. Đi đến đâu bọn chúng cũng ngang nhiên đánh đập nhân dân, hãm hiếp phụ nữ. Dưới ách thống trị của Nhật-Pháp và bọn tay sai, nhân dân Kim Sơn nói chung, Phát Diệm nói riêng chịu cảnh áp bức, ngột ngạt không lối thoát. Vì vậy, hơn ai hết, vào thời điểm ấy, người dân Phát Diệm hiểu rằng chỉ có nhất tề đứng lên đấu tranh, đi theo tiếng gọi của Đảng mới thoát khỏi ách áp bức, lầm than.
Sáng 21/8/1945, đường phố Kim Sơn đông kín người. Không khí cách mạng sục sôi, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí đấu tranh đã lan tỏa trong khắp các tầng lớp nhân dân Phát Diệm. Họ đã sát cánh cùng hàng ngàn nông dân các xã xuống đường, hợp thành đội quân quần chúng cách mạng khổng lồ với rừng cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu "Việt Nam độc lập", "ủng hộ Việt Minh" rầm rập kéo thẳng lên Quy Hậu vào chiếm Phủ đường. Sau đó, quay về chiếm đồn binh Trì Chính. Ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh lớn có tới hàng vạn người tham gia, được tổ chức tại sân vận động Ngô Gia Lễ, ủy ban lâm thời đại diện ra mắt nhân dân, tuyên bố giành xong chính quyền ở huyện Kim Sơn và thừa nhận là do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo. Vì vậy, ngày 21/8/1945 là ngày đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Phát Diệm nói riêng, nhân dân huyện Kim Sơn nói chung.
PV: 75 năm đã trôi qua, nhưng bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Bài học đó đã được Phát Diệm vận dụng như thế nào trong giai đoạn hiện nay?
Ông Đỗ Văn Thành: 75 năm qua, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám; truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân thị trấn ghi nhớ, trở thành hành trang và tiếp thêm động lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy, UBND thị trấn Phát Diệm luôn luôn nắm vững phương châm "lấy dân làm gốc", dựa vào quần chúng xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân trước hết ở thị trấn Phát Diệm là xây dựng khối đoàn kết lương giáo. Tình đoàn kết lương giáo của nhân dân Phát Diệm đã được đặt nền móng ngay từ buổi đầu khai hoang lập ấp. Tình đoàn kết ấy càng thêm gắn bó trong suốt quá trình lịch sử, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo. Với 24% đồng bào theo đạo Công giáo, nơi có Nhà thờ Phát Diệm, nhiều năm qua, thị trấn Phát Diệm luôn giữ gìn, phát huy mối đoàn kết lương - giáo, huy động các nguồn lực để chăm lo đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xứng đáng là trung tâm kinh tế- chính trị của huyện Kim Sơn.
Trong phát triển kinh tế, nhân dân đã đoàn kết, tương trợ nhau, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp ít với gần 65 ha, song các hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa các loại giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, do vậy năng suất lúa bình quân đạt mức khá cao, từ 112-128 tạ/ha/năm. Người Phát Diệm vốn nhạy bén trong tư duy, năng động trong cơ chế thị trường nên ở Phát Diệm giờ đã hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, các tổ hợp tác, HTX và nhiều doanh nghiệp tư nhân được hình thành với nhiều loại hình thương mại, dịch vụ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trên địa bàn thị trấn hiện có 3 làng nghề sản xuất, chế biến cói hàng xuất khẩu, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thị trấn Phát Diệm đã huy động sự chung sức, đồng lòng của bà con lương - giáo cùng tham gia bảo đảm trật tự, đô thị, vệ sinh môi trường, tham gia giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong quản lý trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh.
Từ sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng lương - giáo mà thị trấn Phát Diệm đang có sự đổi thay nhiều mặt. Đến nay, 100% hệ thống đường giao thông nội thị đã được cứng hóa, bê tông, nhựa hóa; trường học, trạm y tế, nhà văn phố được đầu tư xây dựng. Những công trình được xây dựng đã góp phần làm cho diện mạo của thị trấn đổi mới theo hướng khang trang, đồng bộ và hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu thương mại và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế của địa phương.
PV: Viết tiếp truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phát Diệm đã và đang tạo dựng cho mình thế đi lên bền vững. Vậy những ưu tiên phát triển kinh tế của thị trấn Phát Diệm trong những năm tới là gì, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Thành: 75 năm đã trôi qua, nhưng những chiến công và lòng dũng cảm, thông minh sáng tạo của cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Phát Diệm trong những chặng đường đấu tranh anh dũng mãi mãi còn khắc sâu trong tâm trí người dân và lưu truyền trong các thế hệ sau. Chúng tôi, thế cán bộ sau này được tiếp bước cha ông luôn nguyện phát huy truyền thống, nêu cao tinh thần đoàn kết phấn đấu vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, viết tiếp những trang sử mới, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân thị trấn Phát Diệm.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thị trấn Phát Diệm lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định hướng đi của thị trấn trong 5 năm tới, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo. Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh; chăm lo hơn nữa đời sống nhân dân, xây dựng thị trấn ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Để đạt được mục tiêu trên, ngay sau Đại hội, BCH Đảng bộ thị trấn đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa, đề ra 4 chương trình trọng tâm. Trong đó, về phát triển kinh tế, hướng đi chính của thị trấn 5 năm tới vẫn là phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ. Các giải pháp được đề ra, đó là khuyến khích phát triển những ngành nghề truyền thống có thế mạnh; tạo điều kiện thu hút đầu tư, giúp các hộ gia đình phát huy quền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Nâng cao hiệu lực quản lý điều hành của UBND; đẩy mạnh cải cách hành chính, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức ngại học, ngại nghiên cứu, ngại đổi mới tư duy; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh...
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Mai Lan