Sáu tháng đầu năm 2013, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước và ở tỉnh ta tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và những khó khăn từ nội tại nền kinh tế nước ta; hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực chưa ổn định, lãi suất vẫn còn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn vốn, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn..., cùng với đó là sự gia tăng hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đã tác động đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, với tinh thần chủ động, lường trước khó khăn và có giải pháp phù hợp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, kiên trì thực hiện đồng bộ các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế đạt 10,15%; giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng; nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, vụ đông xuân được mùa; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng; thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch phát triển. Văn hóa - xã hội có tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng địa phương được tăng cường. Công tác đối ngoại được mở rộng; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Trong đó nổi bật là:
1. Kinh tế duy trì ổn định và tăng trưởng ở mức hợp lý với tỷ lệ 10,15%. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay thì đây là kết quả đáng ghi nhận, là mức tăng cao so với nhiều địa phương trong cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Diện tích, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và khai thác thủy sản đều có mức tăng khá. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, tạo được bước chuyển quan trọng trong nhận thức, trách nhiệm của người dân; huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ninh Bình được xếp trong tốp 10 tỉnh, thành trong cả nước triển khai tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo chủ động, tập trung, quyết liệt thực hiện tốt các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì ổn định và có mức tăng trưởng khá, giá trị ước đạt 7,5 nghìn nghỉn tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 7.185 tỷ, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 1.197,2 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục có bước phát triển mới, tổng doanh thu tăng 28% so với cùng kỳ. Đó là những kết quả cụ thể trên lĩnh vực kinh tế. Kết quả đó khẳng định và tạo niềm tin để chúng ta phấn đấu thực hiện các mục tiêu đặt ra trong năm 2013.
2. Văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,3 triệu đồng. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 7,3%. Chất lượng giáo dục của các cấp học được nâng lên. Tỷ lệ học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, tốt nghiệp THPT đạt cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Các hoạt động kỷ niệm, nhất là kỷ niệm 53 năm kết nghĩa Ninh Bình - Bạc Liêu đã tạo không khí phấn khởi, khơi dậy tình đoàn kết, gắn bó trong cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 tỉnh Ninh Bình - Bạc Liêu. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn song nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp đời sống văn hóa xã hội của nhân dân đã được quan tâm và nâng cao rõ rệt; sự đồng thuận và phấn khởi của các tầng lớp nhân dân có bước phát triển mới.
3. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đạt những kết quả thiết thực.Việc kiểm soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính được chú trọng, tăng cường công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành của tỉnh. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được chỉ đạo chặt chẽ theo hướng tăng cường đối thoại, giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đường 477 kéo dài được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị nên cơ bản đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo sự ổn định không để xảy ra phức tạp. Việc sơ kết và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được chỉ đạo chặt chẽ và thu được kết quả. Công tác xây dựng chính quyền được quan tâm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên một bước.
4. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Chất lượng hoạt động của lực lượng bảo vệ thôn, tổ dân phố được nâng lên, vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang được phát huy, đảm bảo tốt an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa, an ninh nông thôn, đô thị và an ninh trong các vùng giáo. Công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm được tăng cường. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo Nghị quyết số 21/2012/QH13 của Quốc hội và Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư được thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác đối ngoại có bước phát triển, góp phần quảng bá hình ảnh về Ninh Bình, tranh thủ sự ủng hộ, tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hoạt động du lịch thu hút đầu tư.
Cùng với kết quả chung của tỉnh, hoạt động của HĐND có bước đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và các Ban HĐND tỉnh đảm bảo thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả. Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp tiếp tục có sự đổi mới. Những vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp HĐND tỉnh được xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND thường xuyên hơn, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề cử tri quan tâm, qua đó đã phát hiện và kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác quản lý của các doanh nghiệp. Công tác tiếp xúc cử tri từng bước được cải tiến theo hướng thiết thực, hiệu quả, tập trung đôn đốc giải quyết những ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của cử tri. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan chủ trì, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan tập trung chỉ đạo tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; phối hợp lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo dân chủ, khoa học, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân.
Đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả của các cơ quan Trung ương; sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương có liên quan; sự năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành; sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và đặc biệt là sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân trong tỉnh. Trong đó cần khẳng định sự đoàn kết, nhất trí rất cao; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, có hiệu quả của lãnh đạo các cấp.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi ghi nhận và nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương những cố gắng và đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2013.
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Bên cạnh kết quả đạt được chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại những mặt còn hạn chế, yếu kém và bàn biện pháp khắc phục, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, nền kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa ổn định. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn lớn, nhiều công trình chậm tiến độ. Công tác thu hút đầu tư và việc kiểm tra, đôn đốc các dự án đầu tư còn chậm, chưa có dự án đầu tư lớn, công nghệ cao; đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít. Công tác xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa được tập trung chỉ đạo, tính chủ động, quyết liệt chưa cao. Số lượng khách du lịch tăng song thu ngân sách từ du lịch còn thấp; sản phẩm du lịch còn hạn chế. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người lao động có thu nhập thấp còn khó khăn. Công tác đào tạo nghề cho lao động còn nhiều bất cập, dạy nghề chưa xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và của xã hội. Việc triển khai, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia còn yếu. Cải cách hành chính tuy đã được quan tâm nhưng vẫn còn có việc, có khâu phải quyết liệt và đổi mới hơn. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là về đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn yếu. Việc xử lý một số vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực xã hội, nhất là lĩnh vực môi trường thiếu biện pháp sát hợp, kiên quyết. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chưa triệt để. Tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa chủ động, chưa quyết liệt, thiếu năng động sáng tạo. Vai trò người đứng đầu ở một số đơn vị chưa rõ, chưa làm hết chức năng, chưa thật sự chủ động, dám nghĩ, dám làm, còn tư tưởng e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện một số công việc còn chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả. Năng lực, trình độ, tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức còn yếu. Kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm. Những khuyết điểm hạn chế đó cần phải được khắc phục ngay, nhất là trong cán bộ lãnh đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong từng việc cụ thể.
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Theo phân tích, dự báo những tháng còn lại của năm 2013 kinh tế thế giới và tình hình kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ chủ yếu và trọng tâm của kỳ họp lần này là phải đánh giá đúng tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm, phân tích làm rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, tìm ra nguyên nhân và rút bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013 của HĐND tỉnh để đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2013. Trong đó, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là: Tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2013. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của những ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp để tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đặt ra. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thu hút các nguồn lực; tiết kiệm chi tiêu công. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14, ngày 26/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát thống kê nợ đọng XDCB đến hết 30/6/2013, đề xuất giải pháp xử lý nợ đọng. Tăng cường thanh tra đầu tư xây dựng và xử lý nợ xây dựng cơ bản, kiên quyết cắt giảm các dự án triển khai không đúng mục tiêu, kém hiệu quả, chậm tiến độ; xử lý nghiêm các đơn vị không xử lý dứt điểm nợ đọng hoặc làm phát sinh nợ đọng mới. Tập trung vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, trực tiếp tác động đến sản xuất và đời sống xã hội. Khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất trong các khu công nghiệp đã có. Trước mắt, tập trung chỉ đạo để sớm hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đường ĐT 477, dự án đường cao tốc kéo dài, dự án xây dựng Quảng trường, dự án nghĩa trang thành phố. Sớm hoàn thành quy hoạch thành phố Ninh Bình mở rộng làm cơ sở cho việc xây dựng phát triển đô thị, sớm đưa thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại 2. Tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội và các nội dung khác đã được Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Bộ trưởng kết luận trong các chuyến thăm và làm việc với tỉnh.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư, nhất là các dự án chậm tiến độ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp tháo gỡ, xử lý thích hợp, như: hỗ trợ thủ tục hành chính, gia hạn, chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác hoặc thu hồi giấy phép đầu tư. Mở rộng, linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc xem xét, thẩm định các dự án đề nghị cấp phép đầu tư, tạo lợi thế so sánh cho tỉnh trong công tác cải cách thủ tục hành chính về cấp phép để phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh các biện pháp thu ngân sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt mục tiêu thu ngân sách năm 2013.
Tập trung nguồn lực cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp để từng bước xây dựng nông thôn mới trên nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả, bền vững, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực sự quan tâm có giải pháp cụ thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng địa phương. Sớm có nhiều thương hiệu hàng hóa cây trồng, vật nuôi của Ninh Bình. Tăng cường cơ giới hóa và ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tập trung gieo cấy và chăm sóc diện tích cây vụ mùa, tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Tích cực, chủ động trong triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt bão gây ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư để cuối năm 2013 có 2- 3 xã đạt đủ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Hai là: Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng và tổ chức năm học 2013 - 2014. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bảo đảm kết quả thực chất. Quan tâm giáo dục truyền thống quê hương, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình giảm nghèo, quan tâm đến các hộ cận nghèo, chống tái nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 và Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả; gắn công tác đào tạo nghề với định hướng phát triển kinh tế vùng; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cho du lịch và xuất khẩu lao động. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và khắc phục ô nhiễm môi trường, nhất là ở các làng nghề, khu công nghiệp, địa bàn đô thị, nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững, đảm bảo môi trường cho đời sống nhân dân và hoạt động du lịch.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện nghiêm quy định về quy chế một cửa, một cửa liên thông và đơn giản hóa thủ tục hành chính của các cấp chính quyền; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Các cấp, các ngành cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa; tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành công việc theo tinh thần quyết liệt, sâu sát, hiệu quả, thiết thực; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc, khắc phục bệnh hành chính hóa và chạy theo thành tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ. Có biện pháp xử lý nghiêm những cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, quan liêu, hách dịch trong giải quyết công việc với nhân dân và doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực điều hành, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền. Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh ngay tại cơ sở, nhất là các khiếu nại về đất đai, môi trường. Tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bốn là: Thực hiện tốt công tác quân sự - quốc phòng địa phương. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức tốt cuộc diễn tập phòng thủ khu vực. Nắm chắc tình hình và chủ động giải quyết các vấn đề về an ninh nội bộ, an ninh nông thôn, tôn giáo, tư tưởng văn hóa; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội; phòng, chống hiệu quả tệ nạn ma túy; có biện pháp quyết liệt hạn chế ở mức thấp nhất tai nạn giao thông; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Năm là: Công tác truyền thông, báo chí phải phục vụ tốt, tích cực cho các mặt, các lĩnh vực. Báo chí, truyền thông phải góp phần tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân; phải phát hiện và tuyên truyền cho cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, đồng thời phải đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phát hiện đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Bên cạnh việc quyết định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2013, một trong những nội dung hết sức quan trọng tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu theo Nghị quyết số 35 của Quốc hội. Đây là việc làm mới trong quá trình thực hiện dân chủ nhằm đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của HĐND đối với cán bộ chủ chốt mà trực tiếp là người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Việc xem xét, đánh giá các chức danh phải thận trọng, công tâm, khách quan, căn cứ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cá nhân của cán bộ. Do vậy, HĐND cần thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện các báo cáo của UBND và các cơ quan hữu quan về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tư pháp; về kết quả hoạt động của HĐND, các ban của HĐND và kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chặt chẽ, theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục các bước tiến hành tại phiên họp toàn thể cũng như tại buổi họp tổ đại biểu HĐND, bảo đảm để các đại biểu HĐND có đủ thời gian cân nhắc, suy nghĩ thận trọng trước khi ghi phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Đề nghị từng đại biểu HĐND tỉnh nêu cao trách nhiệm trong việc thể hiện ý kiến, đảm bảo khách quan, công tâm, trên tinh thần đoàn kết, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, giúp nhau tiến bộ hơn. Người được đánh giá phải coi đây là thử thách, đồng thời là cơ hội để hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực được giao phụ trách nhằm phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng để Tỉnh ủy xem xét, đánh giá, quy hoạch bố trí và sử dụng cán bộ, phù hợp với phẩm chất, năng lực và khả năng cống hiến của mỗi người. Tôi tin tưởng HĐND tỉnh sẽ hoàn thành tốt trọng trách này trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét một số đề án, dự thảo nghị quyết. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong cả giai đoạn phát triển. Vì vậy, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với tình hình thực tiễn của địa phương, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ tham gia ý kiến để các nghị quyết của HĐND tỉnh có tính khả thi cao, khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Thưa các vị đại biểu, thưa các đồng chí!
Sau kỳ họp, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các cấp, các ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội và các nghị quyết của HĐND tỉnh; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH năm 2013.
Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tinh thần vượt khó vươn lên, tôi tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể sớm có kế hoạch cụ thể, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2013./.