P.V: Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy, nhớ lại lịch sử những ngày đầu giải phóng, đâu là những dấu mốc, sự kiện mà người dân thành phố cần khắc ghi?
Đồng chí Lê Hữu Quý: Ngày 30/6/2019, thành phố Ninh Bình kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng, đây là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của các thế hệ ông cha, nhằm nhắc nhở và khẳng định quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống cách mạng và xây dựng đất nước, xây dựng thành phố Ninh Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược đất nước ta. Do có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, chính trị nên ngay từ khi đặt chân lên phía Nam đồng bằng Bắc bộ, ngày 5/12/1873, thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Ninh Bình. Để đạt được mục đích xâm lược, ngày 25/10/1883, thực dân Pháp cho quân đánh chiếm thị xã Ninh Bình lần thứ 2, nhanh chóng chiếm thị xã và đặt ách cai trị. Đến năm 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, từ đó nhân dân ta bị thêm tầng áp bức là phát xít Nhật. Thị xã Ninh Bình cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thực dân Pháp-phát xít Nhật ra sức đàn áp phong trào cách mạng; thực hiện nhiều chính sách cai trị vô cùng hà khắc, gây ra nạn đói khủng khiếp; tỉnh Ninh Bình có hàng vạn người chết đói, trong đó thị xã Ninh Bình không là ngoại lệ, đời sống nhân dân vô cùng gian khổ...
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; những tưởng từ đây chúng ta được sống hòa bình, được xây dựng đất nước nhưng kẻ thù không từ bỏ giã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trên thực tế, chúng đã gây ra chiến tranh xâm lược nước ta bằng việc đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội cuối năm 1946... Từ cuối năm 1948, thị xã Ninh Bình luôn bị địch đánh phá và đến tháng 11/1949 thì bị giặc Pháp chiếm đóng hoàn toàn.
"Bước ngoặt" lịch sử đến với thị xã Ninh Bình sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5/1954, quân và dân ta liên tiếp chiến thắng ở các mặt trận trong cả nước và vùng đồng bằng Bắc bộ, buộc địch phải tháo chạy, rút khỏi nhiều vị trí. Ngày 30/6/1954, Tiểu đoàn Ngụy số 56 đóng ở núi Non Nước đã vội vã rút khỏi thị xã Ninh Bình. Thị xã được giải phóng, bộ đội và dân quân du kích ta vào tiếp quản trong niềm vui chiến thắng; nhân dân tấp nập trở về trong niềm vui ca khúc khải hoàn, mở ra một thời kỳ mới của Đảng bộ, quân và dân thị xã Ninh Bình: khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
P.V: Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước 65 năm qua, nhất là từ khi thành lập thành phố đến nay, Đảng bộ, quân và dân thành phố luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng, xây dựng thành phố có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?
Đồng chí Lê Hữu Quý: Thành phố Ninh Bình tự hào là địa phương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, với nhiều sự kiện lịch sử, giàu thành tích trong quá trình đấu tranh giải phóng, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Với những thành tích vẻ vang trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 22/8/1998, Nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Ninh Bình vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau một thời gian hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Ninh Bình được tái lập; ngày 1/4/1992 thị xã Ninh Bình chính thức trở lại vị trí trung tâm tỉnh lỵ. Sau 27 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, trong lộ trình xây dựng, nâng cấp, phát triển đô thị và thành lập thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố Ninh Bình được mở rộng từ 10,8 km2 lên 46,7 km2, dân số trên 13 vạn người, có 14 đơn vị hành chính. Tháng 12/2005, thị xã Ninh Bình được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III và tháng 2/2007 được Chính phủ công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Tiếp đó với những thành tích trong xây dựng, phát triển đô thị, ngày 20/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 729/QĐ-TTg công nhận thành phố Ninh Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Bình.
Có thể khẳng định, thời gian qua Đảng bộ, nhân dân thành phố đã giành được nhiều thành tựu, kết quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, Đảng bộ và nhân dân thành phố Ninh Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế, với tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, đổi mới để có những bứt phá, vươn lên, đạt nhiều kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 15 chỉ tiêu Đại hội XIX Đảng bộ thành phố đề ra, đến hết năm 2018 đã có 5/15 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, các chỉ tiêu khác cơ bản tiệm cận đến mục tiêu đã đề ra. Kinh tế của thành phố có bước phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 14,77%, vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 552 tỷ đồng năm 2015 lên 1.811 tỷ đồng năm 2018, đạt 198% dự toán và bằng 199% so với năm 2017; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 118 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 52,8 triệu đồng/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2015; 3/14 phường, xã không còn hộ nghèo.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được tăng cường, có nhiều đổi mới; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều nét đổi mới, đột phá, nhất là trong công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát. Toàn Đảng bộ hiện có gần 11.000 đảng viên sinh hoạt ở 74 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 26 đảng bộ, 48 chi bộ; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII được thực hiện nghiêm túc, chủ động, trách nhiệm...
Cùng với hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội được đầu tư, nâng cấp, công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc; công tác trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đi vào nền nếp. Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý đô thị thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành đô thị của thành phố. Bên cạnh đó,văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo. Nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn minh của người dân thành phố có bước chuyển biến tích cực. An ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội ổn định.
P.V: Được biết thành phố đang phấn đấu để đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I, hướng tới trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia. Để đạt mục tiêu trên, thành phố Ninh Bình tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Hữu Quý: Mục tiêu đặt ra là rất lớn; bên cạnh những thuận lợi là không ít khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố quyết tâm phấn đấu, bằng những việc làm, hành động cụ thể để đạt mục tiêu trong thời gian sớm nhất. Trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh bằng việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát, phản biện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chú trọng công tác nêu gương, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, tỉnh và thành phố. Thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, trước mắt tập trung vào việc thực hiện chủ đề của Tỉnh ủy, Thành ủy năm 2019. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của đô thị trung tâm tỉnh. Trước mắt tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Tập trung huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Chú trọng phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng đô thị thông minh. Tập trung hoàn thành các công trình tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cho thành phố. Nâng cao trình độ dân trí, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm tiêu chuẩn đô thị sinh thái, tạo lập nếp sống văn hóa, văn minh con người thành phố Ninh Bình.
Bên cạnh việc phát triển đô thị, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách đồng bộ, toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập của thành phố. Duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng định hướng nghề nghiệp, dạy nghề và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, kỹ năng ứng dụng cho học sinh. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách xã hội và đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị vào công cuộc củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư của nhân dân đi đôi với giữ vững kỷ cương, xử lý nghiêm minh những vi phạm của tập thể và cá nhân; thường xuyên biểu dương khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt. Lựa chọn những việc cần tập trung quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Xuân Trường