Xã Tân Thanh được thành lập trên cơ sở hợp nhất thị trấn Tân Thanh, xã Thanh Thủy và xã Thanh Phong. Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, xã đã hoàn tất việc chuẩn bị từ nhân sự, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm dùng chung… Đội ngũ cán bộ công chức xã cũng được bố trí, sắp xếp hợp lý và với một tâm thế sẵn sàng, cố gắng chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để vận hành mô hình hiệu quả, thông suốt.
Đồng chí Hoàng Mạnh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Việc cả nước triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025 là một bước đổi mới tổ chức bộ máy, hướng tới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân hơn. Đối với cấp xã, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn chuyển tiếp và sau khi vận hành chính thức. Tôi cho rằng, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức không chỉ là yêu cầu tất yếu khi tổ chức bộ máy theo mô hình mới, mà còn là yếu tố quyết định hiệu quả quản lý, điều hành và niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Chính vì vậy, Đảng ủy xã đã và đang tiếp tục lãnh đạo chặt chẽ, đồng thời lắng nghe góp ý của nhân dân để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng hoàn thiện hơn.”
Thực tế, để phát huy vai trò chức trách của đội ngũ cán bộ công chức địa phương, cấp ủy, chính quyền ở Tân Thanh xác định: Nâng cao nhận thức chính trị và ý thức trách nhiệm công vụ; phải làm cho mỗi cán bộ, công chức nắm vững chủ trương về mô hình hai cấp, hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác trong bộ máy mới. Từ đó chủ động điều chỉnh lề lối làm việc, không ỷ lại, không né tránh trách nhiệm. Cùng với đó, xã đặc biệt chú trọng đề cao tinh thần phục vụ nhân dân. “Mô hình chính quyền hai cấp, nên xã sẽ là nơi trực tiếp giải quyết hầu hết công việc của người dân. Do đó, cán bộ, công chức phải sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết thủ tục nhanh chóng, đúng pháp luật, công khai minh bạch, tránh phiền hà”- Đồng chí Hoàng Mạnh Dũng chia sẻ.
Song song với đó, Tân Thanh cũng xác định đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ then chốt. Trong quá trình chuẩn bị, xã đã phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng quản lý hành chính, công nghệ thông tin, kỹ năng tiếp dân. Đồng thời quán triệt thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn. Cũng theo đồng chí Hoàng Mạnh Dũng, để phát huy vai trò chủ chốt của cán bộ, công chức xã, Tân Thanh tập trung xây dựng đội ngũ đoàn kết, kỷ luật, nêu gương. Theo đó, Đảng ủy xã chỉ đạo chi bộ cơ quan và các chi bộ trực thuộc phát huy vai trò lãnh đạo, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, kỷ cương công vụ; nêu gương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời cán bộ lãnh đạo phải gần dân, hiểu dân, trọng dân…
Có thể thấy, đến thời điểm này, cùng với cả nước, tỉnh Ninh Bình đã chính thức vận hành thông suốt mô hình “chính quyền địa phương hai cấp”, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Mô hình mới này hướng tới tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh vai trò quyết định, gần với dân hơn của cấp xã; đồng thời phát huy chức năng chỉ đạo, điều phối và giám sát địa phương của cấp tỉnh.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức hai cấp giữ vai trò chủ chốt để mô hình hoạt động hiệu quả và thực chất. Thực tế ở tỉnh ta cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được chỉ định, bố trí tại các xã, phường mới sau sáp nhập đều đảm bảo về trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cả nước tiến hành vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, chính vì vậy đặt ra yêu cầu đối với chính quyền các địa phương sau sáp nhập phải khẩn trương, nghiêm túc ổn định tổ chức bộ máy; quán triệt ngay tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: Bộ máy có thay đổi nhưng tinh thần phục vụ nhân dân thì không được phép gián đoạn, nhân dân phải được phục vụ nhanh hơn, tốt hơn; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân phải được cải thiện hơn.
Và điều quan trọng nhất lúc này là phải nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau lấy mục tiêu phục vụ nhân dân là tiêu chuẩn đánh giá năng lực hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình triển khai mô hình mới, bước đầu sẽ có một số khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương cần phải phấn đấu, tập trung đầu tư trang thiết bị, phổ cập “bình dân học vụ số” trong cán bộ và nhân dân để xã có môi trường số, chính quyền số và xã hội số trong tương lai gần. Cả hệ thống chính trị cần nỗ lực đoàn kết khắc phục mọi khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì sự phát triển của tỉnh và đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt và có kỹ năng thực tiễn là tất yếu và cấp thiết để vận hành hiệu quả, thông suốt chính quyền hai cấp trong tình hình mới. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm, tận tụy với công việc và phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Đồng chí Phạm Bích Ngọc, Bí thư Đảng ủy phường Phù Vân cho biết: “Mô hình hai cấp đặt ra yêu cầu rất cao đối với cán bộ, công chức xã. Chúng tôi xác định phải phát huy trách nhiệm cá nhân, tinh thần phục vụ nhân dân, nâng cao nghiệp vụ và kỷ luật công vụ. Ngay từ đầu mới đi vào vận hành mô hình, Đảng ủy xã chỉ đạo xây dựng lề lối làm việc khoa học, minh bạch, gần dân; tăng cường đào tạo, quán triệt kỷ cương, nêu gương để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy mà vẫn hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn cho người dân”.
Với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” và quyết tâm chính trị cao, đến nay cả đất nước đã, đang tiến vào giai đoạn mới với mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyển từ quản lý thụ động sang quản trị thông minh, chủ động phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển, đủ năng lực triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh cũng đã nhận thức rất rõ được vai trò, trọng trách chủ chốt của mình trong giai đoạn chuyển mình của tỉnh và của cả đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hòa chung với khí thế mới đó, Lê Nghĩa, chuyên viên Trung tâm hành chính công phường Mỹ Lộc chia sẻ: Việc phát huy tốt vai trò, chức trách của cán bộ, công chức trong vận hành mô hình chính quyền hai cấp không chỉ là trách nhiệm mà còn là danh dự của mỗi cá nhân. Bản thân tôi nhận thấy: mỗi cán bộ phường phải tự thay đổi để đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở thật sự trong sạch, vững mạnh, hiện đại và gần dân.
Và trước hết cán bộ, công chức phải nắm chắc nhiệm vụ, quy định pháp luật, hiểu rõ quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong mô hình hai cấp để hướng dẫn người dân chính xác, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Bản thân tôi tự thấy quan trọng nhất là ý thức phục vụ nhân dân; cần giữ thái độ tận tình, văn minh, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Ngoài ra, phải phối hợp tốt giữa các bộ phận trong phường và với cơ quan cấp trên để giải quyết công việc trôi chảy, tránh chồng chéo. Bản thân mỗi cán bộ cũng cần tự học hỏi, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và chính quyền số. Với tinh thần tận tâm, chuyển đổi số, trách nhiệm xã hội và lắng nghe người dân, đội ngũ cán bộ tỉnh Ninh Bình sẽ trở thành lực lượng tiên phong, góp phần phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu “chính quyền phục vụ-dân làm chủ”.