Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, được sự giúp đỡ của quân Anh và quân Nhật, quân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Nam Bộ.
Chủ trương của ta là kiên quyết giữ vững mục tiêu cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc Việt Nam, nên chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp chiến lược và sách lược hết sức mềm dẻo để đưa cách mạng tiếp tục tiến lên. Khi thì tạm thời hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp; khi thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi nước ta.
Riêng đối với Pháp, Chính phủ ta đã nhiều lần đàm phán với họ, ký Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 để cho 15.000 quân Pháp vào thay thế quân Tưởng ở miền Bắc nước ta, để Pháp thừa nhận Việt Nam là một nước tự do. Cho dù Pháp không chịu thực hiện cam kết, cứ lấn dần từng bước, nhưng vì thiết tha với hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất, ta đã ký với Pháp Tạm ước 14-9-1946 nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa; mặt khác cũng để trì hoãn thời gian khởi chiến mà tranh thủ xây dựng lực lượng. Điều đó thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập của đất nước vừa giành được, đồng thời biểu thị nguyện vọng hòa bình của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Với khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã làm tất cả những gì có thể, nhân nhượng và kiềm chế hết mức, nỗ lực đàm phán với chính quyền Pháp, nhưng không thành công.
"Chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa". Trước tình hình đó, để bảo vệ nền độc lập vừa giành được, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chỉ rõ: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc chiến đấu với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Tiếp đó, quân dân các địa phương khắp từ Bắc vào Nam, đồng loạt đứng lên kháng chiến.
Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Thành công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài liên tục suốt 30 năm của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến, cũng như suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã phát huy cao độ tinh thần, khí phách, truyền thống yêu nước, giữ nước của cả dân tộc; ý chí quyết tâm "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", sẵn sàng "hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước"; đó là khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức mới. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngày càng quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt...
Trước bối cảnh đó, hơn bao giờ hết LLVT tỉnh với vai trò là lực lượng nòng cốt càng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, xây dựng ý chí quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Từ tình hình, nhiệm vụ trên, đòi hỏi LLVT tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần ngày toàn quốc kháng chiến, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội, trọng tâm là giáo dục về mục tiêu, lý tưởng, đường lối cách mạng của Đảng; quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam.
Đặc biệt, phải giáo dục, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, sự thống nhất trong phối hợp hành động của các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, mà cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới" và Nghị định 152 của Chính phủ về "Khu vực phòng thủ"; chú trọng phát triển kinh tế-xã hội gắn với quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ.
Đặc biệt, coi trọng "thế trận lòng dân" vững chắc ngay từ cơ sở bằng các chủ trương, chính sách hợp lòng dân và các chương trình, dự án, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố lòng tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án theo quy định; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, bảo đảm có số lượng hợp lý, lấy chất lượng chính trị là chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; diễn tập quốc phòng - an ninh các sở, ngành; diễn tập chỉ huy cơ quan, diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã kết hợp với phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn cấp xã gắn với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, căn cứ hậu phương trong khu vực phòng thủ.
Chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới. Phối hợp chặt chẽ với Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới.
Tập trung xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện; tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sỹ, giữ vững và phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".
Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/T.Ư ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 87-CT/QUT.Ư ngày 8-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ" gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng, phong trào thi đua Quyết thắng...
Tiếp tục đổi mới nội dung công tác dân vận, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, giữ vững mối đoàn kết quân dân; tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới".
Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 -19-12-2016) là dịp chúng ta ôn lại và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, về những ngày tháng hào hùng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, LLVT tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, các phong trào hành động cách mạng, thực hiện thắng lợi mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình vững mạnh toàn diện, giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thạch(TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh)