Phóng viên (PV): Xin Đại tá khái quát vài nét về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và những đóng góp của tỉnh ta trong chiến dịch lịch sử này? Đại tá Nguyễn Công Hoan: Cách đây 65 năm, vào chiều ngày 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Đờ-cát-tơ-ry, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, kết thúc thắng lợi. Chiến thắng vĩ đại đó đã ghi một "mốc son chói lọi bằng vàng" trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Tại trận quyết chiến chiến lược này, chúng ta đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, làm phá sản kế hoạch Na-va, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (20-7-1954) về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước: Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia.
Thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương, chỉ thị, nghị quyết của Liên khu và của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Ninh Bình vừa đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự, chính trị và binh vận, vừa xây dựng, củng cố lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đồng thời cung cấp sức người, sức của cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, hàng vạn dân công Ninh Bình đã được động viên, tổ chức đi phục vụ chiến dịch; cùng với trên 500 chiếc thuyền nan, thuyền gỗ lớn nhỏ; trên 200 xe thồ, ngày đêm vận chuyển gạo, mang vác vũ khí, đạn dược, thuốc men lên Điện Biên. Khi có lệnh của cấp trên chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, Ninh Bình đã huy động được 600 tấn gạo. Phong trào tòng quân diễn ra sôi nổi, cuốn hút hàng nghìn thanh niên hăm hở ra trận giết giặc lập công.
Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 1.800 người được bổ sung vào các đơn vị bộ đội chủ lực. Vừa dốc sức phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình vừa tận dụng mọi thời cơ, liên tục tiến công tiêu diệt các đồn, bốt của địch trên địa bàn, nhanh chóng giải phóng quê hương; phối hợp chặt chẽ và trực tiếp phục vụ bộ đội chủ lực tiến hành 3 chiến dịch đánh địch tại địa phương giành thắng lợi; huy động 129.828 lượt người tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ dài hạn và ngắn hạn…
Quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân và dân Ninh Bình được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 11.677 Huân, Huy chương các loại và 3.426 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta; là đòn quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc đi lên CNXH, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam; đồng thời, cũng là thắng lợi chung của các lực lượng hòa bình, dân tộc, dân chủ và XHCN trên toàn thế giới.
PV: Xin Đại tá khái quát kết quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở tỉnh ta trong thời kỳ đổi mới, trọng tâm là trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019?
Đại tá Nguyễn Công Hoan: Phát huy truyền thống anh hùng LLVT nhân dân, trong thời kỳ đổi mới, LLVT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố ngày càng vững chắc, phòng chống có hiệu quả âm mưu "diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong tình hình mới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương…
Năm 2018, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ sở tập trung triển khai, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ Quân sự, quốc phòng địa phương, duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phối hợp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Các cơ quan, đơn vị còn tập trung chỉ đạo tổ chức tốt việc quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28 của BCH Trung ương (Khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới". Bộ CHQS tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí xây dựng các công trình trong khu vực phòng thủ.
Các khu căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương... trong khu vực phòng thủ đã được quy hoạch và từng bước xây dựng. Nhiều thiết bị, công trình phục vụ chiến đấu phòng thủ đã được hoàn thành. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng theo phân cấp đạt kết quả tốt. Lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý chặt chẽ, sắp xếp theo đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 98%; công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công bằng, dân chủ, hoàn thành 100% chỉ tiêu với chất lượng tốt.
Thực hiện nghiêm mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu, bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", các quan điểm và các mối kết hợp trong huấn luyện, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tổ chức huấn luyện cho lực lượng thường trực, DQTV, kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, tỉ lệ khá, giỏi đạt trên 78%.
Đặc biệt, trong năm 2018, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (NB-18), diễn tập khu vực phòng thủ huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp; diễn tập quốc phòng, an ninh Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư; các huyện, thành phố còn lại tổ chức tốt diễn tập cấp xã bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Đặc biệt, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, LLVT tỉnh đã tổ chức tốt các đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, chỉ huy các cấp, hoàn thành 100% nội dung, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng.
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ"; thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là chủ đề "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm, thực thi công vụ; xây dựng phong cách quần chúng, dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu", bằng những cách làm hay, việc làm mới, thiết thực, hiệu quả.
Công tác tổ chức, xây dựng đảng được triển khai và thực hiện có hiệu quả, cấp ủy các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên, giữ vững nền nếp, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt. Chất lượng đảng viên, tổ chức đảng được đánh giá đúng thực chất.
Công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức xét duyệt và chi trả trợ cấp cho trên 11.632 đối tượng theo Quyết định 49 của Thủ tướng chính phủ.
PV: Để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, thời gian tới Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh sẽ chú trọng những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nguyễn Công Hoan: Chúng tôi xác định tiếp tục phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, truyền thống "Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường, quyết thắng" của LLVT tỉnh; làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về xây dựng nền QPTD và xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh. Tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhất là chủ đề "Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm, thực thi công vụ; xây dựng phong cách quần chúng, dân chủ, tôn trọng nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ" và Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" theo phương châm "Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động". Thực hiện tốt các chỉ tiêu của phong trào thi đua Quyết thắng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tiếp tục chấn chỉnh biên chế tổ chức đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, coi trọng xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV, DQTV vững mạnh, rộng khắp, có số lượng phù hợp và chất lượng chính trị ngày càng cao. Đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có năng lực toàn diện và chuyên sâu; coi trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng.
Thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"; hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội, tích cực hưởng ứng phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới"; phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Nam (Thực hiện)