Xác định lợi thế cạnh tranh
Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển, Ninh Bình đã tập trung phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, chất lượng cao, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên và chăm lo đời sống nhân dân.
Đồng chí Tạ Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sau hơn 30 năm tái lập, tỉnh Ninh Bình luôn kiên định với mục tiêu, quan điểm phát triển vừa có tính kế thừa, vừa có tính đột phá dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, tiên tiến và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn... Trong đó du lịch được xác định là ngành kinh tế mang tính điều hướng dẫn dắt các ngành kinh tế theo hướng xanh và bền vững; phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và khu vực.
Nhận diện được tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, tỉnh đã từng bước xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển du lịch, tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An…; tăng cường liên kết vùng, tăng cường hợp tác liên vùng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên du lịch. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển du lịch Ninh Bình, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Đối với phát triển nông nghiệp, tỉnh xác định phát triển theo hướng hữu cơ, tiên tiến, phát huy các sản phẩm đặc trưng, mỗi xã (vùng) một sản phẩm (OCOP), hình thành chuỗi giá trị gắn với vùng sản xuất, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác, sản phẩm nông nghiệp để phục vụ du lịch theo hình thức xuất khẩu tại chỗ; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại. Để thực hiện định hướng trên, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Do đó, năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đạt 9.758,7 tỷ đồng, tăng 2,84% so với năm 2021, vượt 0,84% so với kế hoạch. Đồng thời ngành Nông nghiệp cũng tập trung hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm OCOP như: hỗ trợ chuẩn hóa và xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm; xây dựng tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; xây dựng clip quảng bá sản phẩm; thiết kế hệ thống website, hộp đựng sản phẩm; hoàn thiện và in tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho nguyên liệu đầu vào; chứng nhận tiêu chuẩn ISO... Đến nay, toàn tỉnh có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Xác định công nghiệp là động lực của ngành kinh tế, Ninh Bình đã tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn; phấn đấu để Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp phụ trợ lớn của vùng. Có thể nói, với chiến lược, quyết sách đúng đắn và những bước đi bài bản, khoa học, phù hợp, Ninh Bình đã từng bước giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, hình thành được ngành, sản phẩm tạo thế và lực, có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách như: công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp phụ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp… Đầu tầu trong ngành công nghiệp của tỉnh là Nhà máy ô tô Hyundai - Tập đoàn Thành Công Motor đóng góp khoảng 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và khoảng 70% tổng thu ngân sách của tỉnh, góp phần đưa Ninh Bình trở thành tỉnh thứ 16 trên toàn quốc tự cân đối thu - chi ngân sách.
Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tập trung thu hút doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án khu đô thị, thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí cao cấp... Do đó, UBND tỉnh kiên định quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chạy theo tốc độ tăng trưởng mà chú trọng đến hiệu quả các dự án và chất lượng tăng trưởng, hướng tới sự phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các ngành chủ động xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch lĩnh vực định hướng; đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các ấn phẩm, tài liệu xúc tiến đầu tư để truyền tải đến đông đảo các nhà đầu tư một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.
Đặc biệt, năm 2022, Ninh Bình đã tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và thu hút đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau Hội nghị, nhiều nhà đầu tư đã về Ninh Bình khảo sát, tìm kiếm cơ hội; lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm việc, trao đổi với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng về quan điểm thu hút đầu tư của Ninh Bình, các cơ chế, chính sách ưu đãi, cam kết về môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi, qua đó tạo được niềm tin cho doanh nghiệp khi về đầu tư tại Ninh Bình.
Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại của tỉnh ngày càng đi vào thực chất, nâng cao vị thế, vai trò của tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Ninh Bình tới bạn bè quốc tế. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với các địa phương, tổ chức nước ngoài; tổ chức thành công các chuyến công tác, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, tiêu biểu như: Xúc tiến, giao thương, tìm hiểu các cơ hội xuất, nhập khẩu và hợp tác tại các nước Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan; thăm chính thức, ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác hữu nghị với tỉnh U-Đôm-Xay, nước CHDCND Lào; thăm chính thức thành phố Asan, tỉnh Chungcheong Nam, Hàn Quốc và thành phố Saiki, tỉnh Oita, Nhật Bản, đồng thời kết hợp thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư tại thành phố Tokyo, Nhật Bản...
Đồng chí Tạ Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh, Ninh Bình tiếp tục phát huy năng lực, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và đổi mới linh hoạt trong hoạt động hỗ trợ, xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Trong đó, tập trung xúc tiến vào các thị trường lớn như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặt khác, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản thu hút đầu tư, gắn với công tác tham mưu cho tỉnh; quy hoạch xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông tạo động lực, tạo chuỗi liên kết trong kết nối logistics, thúc đẩy liên kết vùng. Qua đó nhằm khai thác tốt hơn những lợi thế của tỉnh, nâng cao hiệu quả xúc tiến và thúc đẩy thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đa chiều, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Bảo Yến