Tham dự có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành có liên quan, đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh điều hành tại điểm cầu Ninh Bình.
Hội nghị đã nghe các báo cáo: Báo cáo về công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Báo cáo triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM và triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương đã có những bước chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực: Bộ máy quản lý, điều hành được kiện toàn; bước đầu đã tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực; công tác truyền thông, thông tin về chương trình MTQG tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Đến hết năm 2020, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu được giao. Hiện, cả nước có 5.706/8.227 xã (gần 70%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 734 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn NTM.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG xây dựng NTM sẽ tập trung triển khai 6 chương trình chuyên đề, gồm: Khoa học & công nghệ phục vụ xây dựng NTM; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; chuyển đổi số, hướng tới NTM thông minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm...
Để đạt mục tiêu trên, Chương trình đã xây dựng các dự án hỗ trợ như: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; ...
Về phía tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, chương trình xây dựng NTM đã trở thành một phong trào thi đua mạnh mẽ. Nông thôn khởi sắc, nông nghiệp phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 117/119 xã đạt chuẩn NTM; có 17/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến để ban hành Nghị quyết về Đề án xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình và Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025; kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025; kế hoạch xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.
Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đổi mới cách tiếp cận và mở rộng độ bao phủ, huy động được nhiều nguồn lực. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập...).
Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay Chính phủ đã hoàn thiện về thể chế, chính sách hướng dẫn, cũng như phương án phân bổ vốn cho cả 3 chương trình MTQG (xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.). Do vậy, đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, bắt tay ngay vào công việc.
Trước mắt, kiện toàn Ban chỉ đạo cấp cơ sở, sử dụng các cán bộ có đủ năng lực để thực hiện có hiệu quả các Chương trình này. Tổ chức quán triệt, thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại 3 chương trình.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành được phân công phải khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần. UBND các tỉnh, thành phố kịp thời xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương.
Nguyễn Lựu - Anh Tuấn