15/16 chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để Kim Sơn bước vào giai đoạn mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu: đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; quản lý và khai thác hiệu quả vùng ven biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và địa phương còn gặp khó khăn; song Đảng bộ và nhân dân Kim Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khá toàn diện, đề ra những chủ trương, biện pháp sát với thực tế và cơ bản hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU "Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", trong đó tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản; đã tập trung chỉ đạo dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, nhất là liên kết "4 nhà" mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3%/năm (vượt mục tiêu); năng suất, sản lượng lúa liên tục dẫn đầu toàn tỉnh; cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng tăng các loại có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao. Nuôi trồng thủy, hải sản phát triển, một số mô hình nuôi trồng thủy, hải sản ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị và từng bước giảm các rủi ro.
Đặc biệt, phát huy thế mạnh vùng biển, diện tích nuôi, trồng thủy sản hàng năm tăng, năm 2019 đạt 4.370,7ha, sản lượng 28.000 tấn; sản lượng thủy, hải sản bình quân hàng năm ước đạt 26.581 tấn (đạt 118,13% so với mục tiêu); hết năm 2019 có 15 mô hình nuôi tôm trong nhà bạt, năng suất 15 tấn/ha; trên 100 mô hình sản xuất hàu giống, cho thu nhập khoảng 500-2.000 triệu đồng/năm.
Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, linh hoạt với quyết tâm cao, huy động được toàn dân tham gia; chủ động phát huy nội lực, chú trọng thu hút và huy động ngoại lực. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM trong 5 năm ước đạt 2.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2020 có 18/23 xã đạt chuẩn NTM (vượt mục tiêu), góp phần quan trọng làm chuyển biến mạnh mẽ bộ mặt nông thôn theo hướng CNH, HĐH.
Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp duy trì và phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN đến năm 2020 ước đạt 2.330 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11%. Duy trì, phát triển các nghề truyền thống và đưa các ngành nghề mới về các thôn, xóm, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 25 làng nghề cấp tỉnh, trong đó có 1 làng nghề truyền thống.
Các hoạt động dịch vụ được mở rộng, phát triển đa dạng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 7,62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn hàng năm tăng (năm 2015 đạt 2.557 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3.750 tỷ đồng).
Những năm qua, Kim Sơn đã nỗ lực thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đạt kết quả khá. Triển khai thực hiện nhiều giải pháp để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư trong 5 năm ước đạt 9.904 tỷ đồng (trong đó vốn huy động xã hội hóa ước đạt 8.090 tỷ đồng); chú trọng lựa chọn các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt của Nhân dân để ưu tiên đầu tư; kiểm soát chặt chẽ các công trình, dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Diện mạo chung của huyện, nhất là các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc...
Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tích cực; hàng năm, số giáo viên giỏi, học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học tăng. Trong 5 năm, toàn huyện có 1.986 học sinh giỏi cấp tỉnh; 212 học sinh giỏi cấp quốc gia; 2.799 học sinh thi đỗ vào các trường đại học; 2 học sinh THPT vào vòng chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của thôn, xóm, khối, phố, nếp sống văn minh trong các khu dân cư được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì và ngày càng phát triển; tỷ lệ người luyện tập TDTT thường xuyên đạt 32,4%. Các chương trình mục tiêu về y tế, dân số-kế hoạch hóa gia đình thực hiện có hiệu quả. Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2015 là 11,71%, đến cuối năm 2020 ước giảm còn 2,88% (bình quân giảm 1,76%/năm).
Quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao; cải cách hành chính, cải cách tư pháp được đẩy mạnh. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể được đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo và có nhiều cách làm mới; dân chủ xã hội ngày càng được phát huy và mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; đồng thuận xã hội ngày càng cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển của huyện.
Nổi bật là vận động được hơn 5.000 người đăng ký hiến máu tình nguyện, hiến 3.468 đơn vị máu; hơn 11.000 người đăng ký hiến giác mạc, đã có 334 người hiến tặng giác mạc khi qua đời, đưa Kim Sơn tiếp tục là đơn vị điển hình, dẫn đầu toàn quốc về phong trào hiến giác mạc.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đảng bộ đã chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được đẩy mạnh và đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Tổ chức bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn. Đã sắp xếp, sáp nhập xã Xuân Thiện với xã Chính Tâm thành xã Xuân Chính; xóm 1, 2, 3 của xã Yên Mật với xã Kim Chính; xóm 4, 5 của xã Yên Mật với xã Như Hòa. Sắp xếp đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp xã, các thôn, xóm trên địa bàn huyện. Kết quả sau sắp xếp, đối với cấp xã giảm 191 người (bằng 37,2%), đối với cấp xóm giảm 860 người (bằng 35,4%)...
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp được quan tâm chú trọng. Việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ được coi là khâu đột phá, như luân chuyển đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương. Trong nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, bổ nhiệm 157 đồng chí; giới thiệu ứng cử 97 đồng chí; bổ nhiệm lại 110 đồng chí; chỉ định 33 đồng chí tham gia cấp ủy; luân chuyển 7 cán bộ từ huyện xuống xã; 10 cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn; kiện toàn bổ sung 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, 3 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, 9 ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác dân vận các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Phương thức lãnh đạo của Huyện ủy và các cấp ủy đảng tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát, quyết liệt; phân công cụ thể trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân; cấp ủy không làm thay.
Tăng cường dân chủ trong Đảng, phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo gắn với tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của cá nhân phụ trách. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành luôn bảo đảm nguyên tắc "tập trung dân chủ", "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của tập thể và cá nhân ở từng lĩnh vực công tác, địa bàn phụ trách, nhất là trong thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng của huyện.
Nội dung, nền nếp sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên; Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo, phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên, lãnh đạo, cán bộ các cơ quan của huyện duy trì nền nếp dự sinh hoạt thường kỳ với các chi bộ thôn, xóm. Đặc biệt, quan tâm củng cố các chi bộ đảng ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào có đạo, đến cuối năm 2018, 298/298 thôn, xóm đều có chi bộ, không còn chi bộ ghép...
Những kết quả đạt được đã khẳng định sự phấn đấu, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân Kim Sơn. Những kết quả đó đồng thời cũng là tiền đề, động lực quan trọng để huyện phát triển lên tầm cao mới. 5 năm tới là thời kỳ hết sức quan trọng với nhiều thời cơ thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen. Huyện Kim Sơn xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khá cụ thể, đề ra các nhóm giải pháp tích cực để phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới vào năm 2024. Mục tiêu đó vừa thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ và Nhân dân Kim Sơn, vừa thể hiện trách nhiệm của huyện đối với công cuộc xây dựng tỉnh Ninh Bình theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
Phải khẳng định rằng, Kim Sơn là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nếu khai thác tốt thì tiềm năng, thế mạnh của huyện sẽ trở thành nguồn lực, điều kiện tốt cho phát triển kinh tế-xã hội. Muốn làm được điều đó, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Việc cần làm là tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và tổ chức quán triệt, thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo hướng thiết thực, phù hợp với từng đối tượng; coi trọng xây dựng kế hoạch, chương trình hành động khả thi sát với thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Chủ động nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực và lâu dài của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân, tạo sự ổn định để phát triển.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp bộ máy các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận và đội ngũ cán bộ cấp xã; quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người có đạo.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên. Làm tốt công tác phát triển tổ chức đảng và đảng viên, nhất là trong các khu vực đặc thù như doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo; đồng thời kiên quyết rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với công tác tư tưởng, công tác tổ chức. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng làm công tác dân vận; gắn công tác dân vận với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.
Đặc biệt là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay; xây dựng và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, nghị quyết phân công nhiệm vụ của cấp ủy viên.
Cấp ủy tập trung lãnh đạo đề ra những chủ trương, định hướng lớn, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; xác định rõ những công việc cấp ủy bàn bạc, cho ý kiến trước khi chính quyền quyết định và những công việc chính quyền chủ động quyết định theo thẩm quyền.
Đồng thời đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và khả năng cụ thể hóa các nghị quyết của cấp ủy, HĐND vào thực tiễn. Chú trọng chất lượng tham mưu của chính quyền cho cấp ủy trong việc đề ra chủ trương, cơ chế, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh. Tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiến đến xây dựng nền hành chính điện tử. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, xóm theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phát huy vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội, chi đoàn, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết, chung sức, chung lòng, tự giác tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Hoàng Văn Thắng
Bí thư Huyện ủy Kim Sơn