P.V: Là địa bàn diễn ra Lễ hội truyền thống Trường Yên, xin đồng chí cho biết những phần việc chính mà địa phương phải làm và hiện công tác chuẩn bị được triển khai như thế nào? Đ/c Nguyễn Thị Yến: Lễ hội truyền thống Trường Yên năm 2016 được tổ chức với vị thế là "di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Ninh Bình nói chung và của xã Trường Yên nói riêng. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Hoa Lư, xã Trường Yên được phân công thực hiện 2 phần việc chính. Đó là phần lễ và phần hội. Trong đó: Phần lễ bao gồm: Lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu và lễ tạ. Phần hội gồm các công việc: thi mâm ngũ quả tiến vua, thi cờ tướng, thi chọi gà, thi chèo thuyền khéo. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền cổ động trực quan, phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội. Thực hiện quy hoạch các điểm bán hàng, coi xe, các dịch vụ kinh doanh theo quy định của Ban tổ chức.
Với những nhiệm vụ được phân công trong công tác phục vụ lễ hội như trên, UBND xã đã thành lập Ban phục vụ lễ hội gồm 23 người do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức hội nghị triển khai giao cho các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các thành viên ban phục vụ, các thôn chuẩn bị từ cơ sở vật chất, vật tư, lễ phẩm cũng như con người. Đến nay, công tác chuẩn bị của các bộ phận đã cơ bản thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.
P.V: Lễ hội truyền thống Trường Yên đã được công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể" và năm 2016 được tỉnh tổ chức thay vì cấp huyện như năm 2015, vậy những nhiệm vụ của xã tại lễ hội năm nay có gì khác không thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Thị Yến: Lễ hội truyền thống Trường Yên năm nay có nhiều điểm khác với mọi năm. Trước hết về quy mô tổ chức, vì là lễ hội cấp tỉnh, với vị thế là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được tổ chức theo kịch bản riêng đã được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt theo Quyết định số 1291/QĐ - UBND ngày 20-11-2015; Thời gian tổ chức lễ hội từ năm nay bắt đầu từ ngày 15 đến 17-4-2016 (tức là từ mồng 9 đến 11-3 âm lịch), riêng lễ mở của đền thực hiện từ 8h00 ngày 14-4-2016 (tức mồng 8-3 âm lịch).
Nội dung Lễ hội năm nay có nhiều nội dung mới đó là, phần lễ: có 10 lễ, trong đó UBND xã Trường Yên được phân công chuẩn bị phục vụ 5 lễ. Ngoài ba lễ: lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ tạ giống như mọi năm, thì năm nay thêm hai lễ mới là lễ Mộc dục (tức là lễ tắm thần, lau thần vị, nhang án) và lễ tiến phẩm. Đối với lễ Rước nước năm nay có điểm khác đó là kiệu nước là Kiệu bát cống lớn (để bình nước và hương án) cho 8 thanh niên trai tráng, trang phục lính cổ triều: áo đỏ, vàng, cộc tay, cổ áo viền xanh, có thêu họa tiết lối cổ, đầu chít khăn đỏ, vàng. Còn lại các kiệu khác do hội phụ nữ đảm nhiệm; mỗi kiệu có 8 người để để đổi nhau khiêng. Trang phục quần áo tân thời bằng lụa trắng, có thắt lưng xanh, đỏ.
Phần hội có rất nhiều các hoạt động, trò chơi phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc truyền thống, nét độc đáo của đất và người Hoa Lư. Như đã nói ở trên, phần hội gồm các hoạt động thi mâm ngũ quả tiến vua, thi cờ tướng, thi chọi gà, thi chèo thuyền khéo. Đi kèm theo đó là các phần việc: Công tác tuyên truyền cổ động trực quan, công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, quy hoạch quản lý các hoạt động dịch vụ. UBND xã đã họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể tổ chức phần hội. Do thực hiện theo kịch bản nên các tổ chức đoàn thể được giao phần việc thực hiện đúng theo mốc thời gian, nội dung đã được phân công.
PV: Lễ hội diễn ra thường tác động lớn đến cộng đồng dân cư khu vực di tích, vậy xã đã có những giải pháp gì vừa khuyến khích người dân tham gia tích cực vào lễ hội nhằm tôn vinh di sản, nhưng vừa hạn chế được các mặt trái không mong muốn phát sinh tại các lễ hội.
Đ/c Nguyễn Thị Yến: Để khuyến khích người dân tham gia tích cực vào lễ hội để quảng bá, tôn vinh giá trị di sản, đồng thời hạn chế được các mặt tiêu cực thì ngay từ đầu năm để ổn định an ninh trật tự khu vực Cố đô Hoa Lư, chuẩn bị cho lễ lội, UBND xã đã phối kết hợp với Công an huyện Hoa Lư, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Hoa Lư thành lập và kiện toàn các tổ tự quản, dịch vụ: Tổ chụp ảnh (65 thành viên), xe ôm (31 thành viên), tổ bán hàng... Sau đó chỉ đạo bầu ra tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng, nhóm phó và xây dựng quy ước hoạt động riêng, đồng thời cho các tổ tự quản ký cam kết thực hiện theo đúng quy định của UBND xã đã đề ra. Mỗi tổ có trang phục riêng, các tổ này đều được phân nhóm và thực hiện theo lịch phân công, tránh việc tranh giành khách làm mất mỹ quan lễ hội. Tổ ảnh thực hiện tại 3 chốt, mỗi chốt 6 người. Xe ôm 15 người một ngày và tổ chức luân phiên nhau hoạt động, qua đó sẽ tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động dịch vụ tại lễ hội. Đến nay nhìn chung các hộ, các tổ làm dịch vụ du lịch đã thực hiện, chấp hành nghiêm nội quy, quy định, không tranh giành khách, không đeo bám, không nài ép khách khi khách không có nhu cầu, từ đó hoạt động dịch vụ và hình ảnh khu di tích Cố đô Hoa Lư đã có nhiều cải thiện. Nổi bật là cảnh quan môi trường đẹp và sạch hơn, văn minh văn hóa khu du lịch được chú trọng, tình hình ANTT được đảm bảo.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, lòng tự hào và trách nhiệm của người dân địa phương về việc bảo vệ di tích, đóng góp vào thành công của lễ hội. Tuyên truyền về các giá trị của di sản, kế hoạch tổ chức lễ hội, kịch bản lễ hội đến toàn dân bằng nhiều hình thức như: trên hệ thống truyền thanh của xã, tại các hội nghị… Đặc biệt, để lễ hội diễn ra thành công, vui tươi, lành mạnh, ngay từ đầu năm, xã giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh… đẩy mạnh tuyên truyền và có những việc làm sáng tạo, thiết thực, ý nghĩa hướng về lễ hội; các đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết của ngành, đoàn thể mình tham gia phục vụ lễ hội để huy động hội viên và động viên người thân cùng tham gia. Chỉ đạo công an xã và các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, phối kết hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên để đảm bảo an toàn trật tự, có kế hoạch phân luồng đảm bảo giao thông đi lại trước, trong và sau lễ hội; chỉ đạo các ngành chuyên môn sắp xếp quy hoạch các địa điểm bán hàng ăn uống, lưu niệm, giải khát, đảm bảo cảnh quan khu vực lễ hội, góp phần tạo ấn tượng cho du khách về tham quan, chiêm bái trong những ngày lễ hội, góp phần quan trọng cho sự thành công của lễ hội truyền thống Trường Yên 2016
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Phương Nam (thực hiện)