Là một trong những hộ dân đi đầu trong việc áp dụng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap do Hội Nông dân tỉnh tập huấn, năm nay, gia đình ông Hoàng Hồng Khanh, xóm 7, xã Yên Lộc đã đầu tư 6 sào đất trồng các loại rau như mồng tơi, súp lơ, su hào, bắp cải…
Theo ông Khang, việc áp dụng các kiến thức đã được tập huấn trồng rau từ khâu làm đất chọn giống, đến khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, giúp các loại rau được trồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sâu bệnh ít so với việc trồng rau theo phương pháp truyền thống. Với việc trồng 5 lứa rau thương phẩm và 3 lứa rau giống, mỗi năm ông thu hoạch được 15 triệu đồng/sào; so với trồng các loại cây khác thì thu nhập từ trồng rau màu cao hơn nhiều lần.
Được biết, trước đây, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức lớp dạy nghề trồng rau an toàn cho gần 40 hội viên nông dân trong xã. Mô hình thử nghiệm trồng với 5 loại rau (cà chua, dưa chuột, cải xanh, cải củ, cải chíp) theo tiêu chuẩn Vietgap, do đó các loại rau được trồng đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sâu bệnh ít, chất lượng đảm bảo; đồng thời các loại rau được đưa vào trồng thử nghiệm đều phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã Yên Lộc, đáp ứng nhu cầu học và sản xuất rau an toàn của nhiều hộ nông dân trong xã.
Từ kết quả thử nghiệm, những nông dân tham gia tập huấn đã được cấp giấy chứng nhận học nghề, đã phát triển nghề trồng rau và ươm rau giống để bán, cho giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Hồng Khanh, Giám đốc HTX trồng rau giống và rau an toàn xã Yên Lộc cho biết: Hiện HTX có 20 thành viên tham gia với tổng diện tích trên 2ha, trong đó chủ yếu trồng các loại rau an toàn như su hào, bắp cải, cải ngồng, súp lơ, cà chua, mồng tơi…
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình trồng rau an toàn tại xã luôn duy trì hoạt động tốt, không chỉ đem lại lợi nhuận cao cho nhiều nông dân mà còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tham gia vào hợp tác xã, các hộ dân được học tập trao đổi kinh nghiệm, đồng thời được tìm đầu ra ổn định trong khâu tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, nên giá rau của nông dân làm ra luôn dao động ở mức 15 đến 20 triệu đồng/sào/năm, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.
Hiện nay, các loại rau thương phẩm của bà con xã viên không phải mang ra chợ bán mà được thương lái trong huyện Kim Sơn, thành phố Ninh Bình và các tỉnh lân cận như Nam Định, Thanh Hóa… về thu mua tận ruộng và ký bao tiêu một số loại rau xanh chất lượng cao. Điều này giúp các hộ nông dân thực sự yên tâm về đầu ra của sản phẩm, từ đó tiếp tục đầu tư trồng rau sạch, mở rộng diện tích canh tác.
Đồng chí Phạm Văn Son, Chủ tịch UBND xã Yên Lộc cho biết: Mô hình trồng rau an toàn đang mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân xã Yên Lộc.
Từ mô hình, ngoài cung cấp rau an toàn, rau sạch cho nhân dân, các hộ dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, tạo việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Hiện thu nhập trên diện tích canh tác đạt từ 130-140 triệu đồng/ha, góp phần vào kết quả chung giá trị sản xuất nông nghiệp toàn xã đạt 118 triệu đồng/ha/năm, tăng 73 triệu đồng so với năm 2010.
Để mô hình trồng rau an toàn của xã phát huy hiệu quả tốt hơn, trở thành vùng sản xuất rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương đang chuẩn bị hoàn thành các thủ tục cần thiết để chứng nhận xã Yên Lộc đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, giúp nông dân yên tâm sản xuất, làm giàu, góp phần giữ vững và nâng cao tiêu chí thu nhập cho xã đạt chuẩn NTM.
Bài, ảnh: Huy Hoàng