Vừa qua, để góp phần cùng với xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ cho 150 hộ gia đình, mỗi hộ 300 nghìn đồng để xây dựng hố xử lý rác thải tại hộ gia đình. Đối với mô hình này, mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí từ 600 - 700 nghìn đồng để mua vật liệu cát, sỏi, xi măng, sắt thép... xây dựng hố rác. Hố đốt rác có ngăn chứa rộng 1m3; có giàn sắt để đựng rác, cao cách mặt đất 25cm, có cửa lấy tro rộng rãi…. Sau khi đốt xong, hộ dân tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trước đó, xã Gia Sơn đã vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và có hình thức phạt nặng đối với những hộ cố tình vi phạm vứt rác ra nơi công cộng. Bên cạnh đó, xã vận động người dân xây dựng hố rác thải tại gia đình. Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia Sơn đã vận động cán bộ, đảng viên tại các thôn là những người tiên phong thực hiện trước để làm gương cho người dân. Sau khi có mô hình mẫu, thấy được lợi ích từ mô hình đem lại, đông đảo các hộ dân xã Gia Sơn đã đồng tình hưởng ứng thực hiện. Qua đánh giá ban đầu, mô hình hố rác 2 ngăn đã giải quyết tình trạng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi của người dân nông thôn, vừa mất mỹ quan, vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân..., góp phần vào hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Bùi Thị Nhung, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đông Minh, một trong những hộ đầu tiên triển khai xây dựng hố rác tại gia của xã chia sẻ: Từ khi xây dựng hố rác này, tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được gia đình tự thu gom và phân loại. Cứ mỗi tuần gia đình lại đốt từ 3 đến 4 lần. Nhận thấy lợi ích của việc xây dựng hố rác thải tại gia đình, tôi đã vận động người dân trong thôn cùng xây dựng. Đặc biệt khi có sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh, các gia đình đã quyết tâm xây dựng mô hình này để bảo vệ môi trường nông thôn cũng như sức khỏe của chính gia đình mình. Đến nay, 90% người dân trong thôn đã xây dựng được hố xử lý rác thải tại gia đình.
Bà Bùi Thị Ví, thôn Đông Minh là một trong những hộ vừa xây xong hố rác chia sẻ: "Do được thiết kế xây dựng phía dưới chân lò có các cửa thông gió nên khi đốt rác, gió sẽ thốc vào chỉ trong vòng 10 - 15 phút rác thải sẽ cháy hết. Rất nhanh, tiện và đảm bảo môi trường sống của bà con. Bên cạnh đó, từ khi có hố xử lý rác thải tại gia đình, bà con cũng ý thức hơn trong việc phân loại rác để bảo vệ môi trường. Những rác hữu cơ sẽ được chôn tại vườn, rác thải nhựa, túi nilon không nhiều nên được thu gom để bán đồng nát chứ không đốt chung với rác thải khác" .
Mô hình sử dụng lò đốt rác tại Gia Sơn đang phát huy tính hiệu quả trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các hộ dân. Đến thời điểm này đã có trên 80% số hộ gia đình trên địa bàn xã triển khai xây dựng mô hình này. Đây là mô hình hay không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.
Nguyễn Thơm