Để hình ảnh Ninh Bình được lưu lại trong lòng du khách, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích, danh thắng, Ninh Bình vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc chú trọng xây dựng nếp sống văn minh tại các điểm du lịch, lễ hội. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với đồng chí Nguyễn Phúc Khôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xung quanh nội dung này.
P.V: Thưa đồng chí, là mảnh đất ken dày di tích lịch sử văn hóa, theo đó hàng năm có rất nhiều lễ hội được tổ chức, đồng chí có thể cho biết những mặt được và chưa được từ việc tổ chức này?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Ninh Bình hiện có 74 lễ hội truyền thống, trong đó lớn nhất là Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, khoảng từ 5-10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài ra còn có những hội làng, hội vùng được nhiều người biết đến như: Lễ hội đền Thái Vi (Ninh Hải - Hoa Lư), lễ hội Báo bản Nộn Khê (Yên Từ - Yên Mô)… Nhìn chung, các lễ hội ở Ninh Bình đã được tổ chức đúng quy định, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Trong các lễ hội, phần "lễ" được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống với hiện đại. ở phần "hội" cũng đã được một số địa phương xen kẽ với các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân trong suốt thời gian mở hội. Các hoạt động này đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh và tham quan du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, chỉ có một số lễ hội được duy trì hàng năm (như lễ hội Hoa Lư, lễ hội Báo bản Nộn Khê) còn các lễ hội khác, nhất là lễ hội làng thường được tổ chức vào dịp đón bằng công nhận di tích hoặc danh hiệu làng văn hóa, do đó không đảm bảo được tính định kỳ. Cũng có những nơi duy trì đều phong tục tế thần Thành Hoàng làng nhưng phạm vi tổ chức không lớn, chủ yếu tập trung cho phần lễ, thiếu vắng phần hội.
Nhìn lại việc tổ chức lễ hội thời gian qua có thể thấy còn có những mặt hạn chế, cần rút kinh nghiệm. Ở những nơi diễn ra lễ hội còn để xảy ra tình trạng bán sách, văn hóa phẩm ngoài luồng, nội dung mê tín, nhảm nhí. Việc quản lý những người đến bán hàng rong, chèo kéo khách mua hàng chưa chặt chẽ; vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; hiện tượng một số cá nhân tổ chức trò chơi ăn tiền chưa được ngăn chặn; đặc biệt còn có tình trạng quá khích, mượn tín ngưỡng, có hành vi tiêu cực gây mất an ninh trật tự…
P.V: Với chức năng quản lý Nhà nước về văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng năm qua ngành đã có biện pháp gì để khắc phục?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Hiện tại các địa phương đều có văn bản quy định của Bộ VH-TT-DLvề tổ chức lễ hội. Theo phân cấp quản lý, những lễ hội có quy mô cấp tỉnh hoặc vùng thì do tỉnh cấp phép, còn hội làng do huyện cấp phép. Năm qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế, tăng cường xây dựng nếp sống văn minh nơi lễ hội.
Mới đây nhất, ngày 11-2 đã tham mưu cho tỉnh tổ chức hội nghị chấn chỉnh công tác an ninh trật tự khu vực chùa Bái Đính, nhằm chỉ ra trách nhiệm của từng cấp, ngành và chủ đầu tư, qua đó tăng cường công tác phối hợp, hạn chế tới mức thấp nhất những phiền hà, lộn xộn làm mất lòng du khách và phật tử thập phương.
P.V: Thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm xây dựng nếp sống văn minh nơi du lịch, lễ hội, những nhiệm vụ mà ngành sẽ tập trung trong thời gian tới là gì?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi: Ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thay cho Quyết định số 498/1998 của UBND tỉnh. Chấn chỉnh hoạt động thanh tra của ngành VH-TT-DL trên cơ sở đội thanh tra liên ngành 814 của tỉnh, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm; kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát triển du lịch với xây dựng nếp sống văn minh, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương cụ thể hóa việc tổ chức lễ hội trong quy ước, hương ước, lồng ghép nội dung này vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức lễ hội…
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (Thực hiện)