Trong khi tiến hành khảo sát tại núi Con (nơi mà ở cuối thế kỷ trước đã phát hiện rìu đá và những vết mà chét, dấu tích của công trường khai thác đá thời cổ), thuộc thôn Tây, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, thì được ông Lê Văn Ất, cư trú cạnh núi Con cho xem hai "di vật đá lạ". Đây là hai di vật ông thu thập được trong quá trình làm vườn nhà, gồm một vật hình đĩa và một vật hình trụ.
Vật hình đĩa (ảnh dưới) có đường kính 20cm, dầy 10cm. Trong lòng vật hình đĩa có dấu lõm mặt cắt hình lòng máng sâu khoảng 5cm, đường kính 12cm. Phần đáy vật hình đĩa có khối gồ nổi tròn, cao 2cm đường kính 16cm. Đây là một bộ phận ở phần đế của cột kinh Phật. Loại hình cột kinh phật này lần đầu tiên đươc phát hiện vào năm 1963, bên bờ sông Hoàng Long đoạn từ núi Nghẽn đến chùa Bà Ngô. Cột kinh này là do Đinh Liễn, con trai Đinh Tiên Hoàng dựng vào năm 973, chép kinh Phật đỉnh tôn thắng đà la ni, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu về Phật giáo ở thế kỷ X ([1])
Vật hình trụ có chiều cao 65cm (ảnh trên) được làm từ loại đá cát kết có mầu xanh xám, trong đó phần chóp cao 12cm (tiết diện cắt ngang gần tròn), phần thân cao 39cm (tiết diện cắt ngang hình chữ nhật), phần đế cao 14cm (tiết diện cắt ngang hình chữ nhật 15cm X 9cm). Đây là một chiếc Linga, một vật thiêng trong tín ngưỡng phồn thực, theo tôi đã có mặt ở Việt Nam nói riêng, Đông nam Á nói chung là khá sớm (khoảng trước sau Công nguyên)
Điều đáng chú ý là vật hình trụ này có hình dáng khá tương đồng với hình dáng của cột kinh Phật (đều có phần đế, phần thân và phần chóp) do vậy đây có thể là một dạng khúc xạ về văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo cần được nghiên cứu kỹ hơn.
Cùng với những di vật đá lạ đã phát hiện ở khu vưc lân cận như vật đá hình trống đồng hay di vật đá có dấu khắc lạ…đã dần dần cho chúng ta hình dung về một nền văn hóa tiền sơ sử và lịch sử có và chỉ sử dụng đá làm những vật thiêng trong tín ngưỡng tôn giáo ở Cố đô Hoa Lư cần được bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu.
Nguyễn Cao Tấn
[1] Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư, Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb KHXH, Hà Nội 1997.