Các vị lãnh đạo gồm có nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bí thư trung ương Đảng Hà Thị Khiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên… và nhiều vị tướng, tá quân đội cùng đông đảo người dân thủ đô Hà Nội đã tham dự buổi lễ phát động. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng Cuộc vận động.
Đây được coi là bước khởi đầu cho dự án kéo dài ba năm từ tháng 7-2008 và sẽ kết thúc vào tháng 5-2010.
Cuộc vận động này do các bảo tàng Lịch sử quân sự, báo Quân đội nhân dân, phối hợp với một số cơ quan báo chí phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhận định, sự thay đổi của nhanh chóng và toàn diện trên khắp mọi vùng miền đất nước đã làm thay đổi nếp sống, do đó việc bảo quản, lưu giữ các hiện vật là kỷ vật kháng chiến cũng sẽ bị mai một. Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu này là hết sức cần thiết để giữ gìn kho báu quý giá của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ. Công tác sưu tầm và bảo quản hiện vật kháng chiến cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chưa xa đến mức chỉ còn lại trong ký ức, mà vẫn còn hiện hữu qua hàng triệu hiện vật, trong đó lưu giữ tại các bảo tàng hiện chỉ là con số rất nhỏ. Cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu Những kỷ vật kháng chiến được tổ chức nhằm kịp thời lưu giữ những hiện vật hiện còn tiềm tàng trong nhân dân như một phần di sản quý giá của dân tộc.
Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu trân trọng mang đến trao tặng bức tranh ký họa vẽ gần 40 năm trước tại chiến trường Quảng Trị.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, hiện có khoảng hai triệu hiện vật được lưu giữ trong hệ thống bảo tàng, di tích, khu lưu niệm cả nước. Theo khảo sát ban đầu của các cán bộ Bảo tàng, số lượng hiện vật vẫn còn nằm rải rác trong các sưu tập cá nhân, gìn giữ trong các gia đình hoặc từ các cá nhân là cựu chiến binh hoặc bảo tàng nước ngoài rất lớn. Vậy nên, nếu không nhanh chóng tiến hành sưu tầm và có phương án lưu giữ cấp thiết, sự mai một của số lượng hiện vật này sẽ là sự mất mát vô cùng to lớn.
Cuộc vận động sưu tầm này ban đầu từ ý tưởng của một nhóm tác giả, sau đã được sự đồng thuận của nhiều cơ quan đơn vị, đã được bắt đầu thực hiện từ tháng 7-2008. Qua tám tháng tiến hành, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1000 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật độc bản có giá trị. Đó không chỉ là những kỷ vật liên quan đến một cá nhân, gia đình, mà còn là những hiện vật lưu giữ quá khứ, lịch sử của một dân tộc.
Ngay trong buổi lễ phát động, Đại tướng Lê Đức Anh đã tặng chiếc ống nhòm mà ông đã dùng trong Cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975 và trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Buổi chiều cùng ngày, tại sảnh Nhà hát Lớn, Ban tổ chức Cuộc vận động cũng tiếp nhận nhiều kỷ vật, hiện vật quý giá do các tập thể, cá nhân hiến tặng.
Túi và khăn mùi xoa của liệt sĩ Lê Văn Ninh, sinh viên Đại học Bách khoa HN được bạn gái tặng khi vào chiến trường. Anh hy sinh tại Quảng Trị năm 1972.
Các cán bộ Nhà máy Z117 mang đến các hiện vật quý giá như mìn đặc công (còn gọi là mìn rùa), mìn APS, đạn chống tăng B40, đạn AT và huân huy chương các loại. Anh Đinh Xuân Bắc, Trợ lý chính trị của Nhà máy cho biết, đây là những sản phẩm do Nhà máy sản xuất từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhằm phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hiện được lưu giữ trong Nhà truyền thống của Nhà máy.
Anh hùng quân đội Tạ Lựu, 79 tuổi, cùng con trai lặn lội từ nhà ở Thị Cầu, Bắc Ninh lên Hà Nội để hiện tặng một chiếc dù pháo sáng mà thời còn là bác sĩ quân y, ông từng dùng căng bạt làm phòng mổ dã chiến cấp cứu thương binh, cùng với một tập thư thời chiến. Những kỷ vật này, ông vẫn gìn giữ bên mình như một tài sản quý giá. Và khi biết đến cuộc vận động này, ông đã không ngần ngại mang đến hiến tặng, với mong muốn chúng được tiếp tục lưu giữ và trở thành tài sản của dân tộc. Còn họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã trang trọng mang đến những bức ký họa vẽ từ chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Cùng với việc sưu tầm, ban chỉ đạo cũng tổ chức nhiều hình thức để giới thiệu các hiện vật đó đến với công chúng qua hình thức in sách, triển lãm, nhằm mục đích phát huy cao nhất giá trị của các hiện vật đó.
Dự kiến, vào tháng 5 tới, một triển lãm lưu động đầu tiên các hiện vật này sẽ được tổ chức. Hiện tại, cuốn sách "Những kỷ vật kháng chiến" cũng đã được xuất bản, trong đó không những giới thiệu những hiện vật tiêu biểu, có giá trị, mà còn là những câu chuyện cảm động và chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử liên quan đến những hiện vật đó.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng cho biết, sắp tới, một văn phòng tiếp nhận hiện vật và cung cấp thông tin sẽ được thiết lập để tạo điều kiện cho người dân đến trao tặng cũng như tìm hiểu về những hiện vật như là những chứng nhân của lịch sử.
Hiện tại, các cá nhân, tập thể có hiện vật trao tặng có thể gửi đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các bảo tàng Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 và Hội Cựu chiến binh các cấp tại địa phương.
Theo NDĐT