Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm
Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định công tác đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, được Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức quán triệt, tập trung cao chỉ đạo thực hiện. ở thành phố, tổ chức hội nghị gồm các đồng chí ủy viên ban chấp hành, bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc. ở cơ sở, đảng ủy các xã, phường tổ chức các hội nghị quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên của đơn vị, đồng thời tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh.
Ngay từ năm 2011, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 07 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Thành phố cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương giao cho UBND thành phố xây dựng đề án, kế hoạch giảm nghèo theo từng giai đoạn.
Hàng năm triển khai tổ chức khảo sát, phân loại hộ nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững. UBND thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. ở các xã, phường, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch giảm nghèo, thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo.
Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Yêu cầu đặt ra đối với công tác giảm nghèo của thành phố trong giai đoạn này là phải đảm bảo giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo trên cơ sở thực hiện những giải pháp phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo.
Bên cạnh đó, cần xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo với việc huy động tổng lực các nguồn lực, đa dạng phương thức hỗ trợ như từ nguồn ngân sách Nhà nước, sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm của anh em, dòng họ, tổ dân phố để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ có khó khăn về nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm ăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, các giải pháp giảm nghèo được xây dựng trên cơ sở phân nhóm các nguyên nhân nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng, bảo đảm tính khả thi. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương phối hợp thực hiện kế hoạch.
Chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng
Từ việc phân nhóm các nguyên nhân nghèo, thành phố xác định nội dung trọng tâm trong các giải pháp giảm nghèo được tập trung thực hiện là đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; tập trung huy động các nguồn lực thực hiện công tác xóa nhà xuống cấp.
Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Hàng năm, Ban chỉ đạo đã ban hành kế hoạch, giao cho các đơn vị tiến hành rà soát, bình xét công khai từ tổ dân phố, thôn, xóm; xây dựng tiêu chí nhà xuống cấp được hỗ trợ và thống nhất chung toàn thành phố. Đồng thời thành lập các đoàn thẩm định, cùng với UBND các phường, xã, tổ dân phố tiến hành kiểm tra, xem xét từng hộ trong danh sách, có biên bản kiểm tra, ghi rõ thực trạng mức độ xuống cấp, mức hỗ trợ kinh phí… đảm bảo xây dựng, sửa chữa đúng đối tượng, tránh thất thoát. Chỉ tính riêng trong năm 2013, từ nguồn ngân sách của thành phố với tổng kinh phí 960 triệu đồng đã giúp cho 28 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở.
Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, các đối tượng hộ nghèo còn nhận được sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp, anh em dòng họ, xóm phố bằng tiền, vật liệu và ngày công xây dựng. Hiện nay, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương khảo sát, thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ cho 133 hộ với tổng kinh phí đề nghị là 4 tỷ 240 triệu đồng.
Đối với nhóm thiếu việc làm hoặc trình độ, hiểu biết, kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế, thành phố hỗ trợ đào tạo và dạy nghề miễn phí phù hợp với từng đối tượng để thu hút lao động. Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết thêm: Điểm nổi bật là việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống như nghề mộc ở Ninh Phong, nghề trồng hoa ở Ninh Phúc… để huy động các nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương. Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ, tức là, doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đào tạo và có trách nhiệm nhận học viên vào làm sau khi được học nghề.
Hàng năm, Trung tâm Dạy nghề thành phố phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường mở lớp tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm tại các địa phương, đặc biệt ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Nguồn ngân sách thành phố đã chi cho công tác dạy nghề, giải quyết việc là hơn 1,5 tỷ đồng, ngoài ra còn có kinh phí từ vốn dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.
Ngoài hai giải pháp trọng tâm này, thành phố cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, riêng đối với các hộ sản xuất nông nghiệp thì hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu để mở rộng các mô hình sản xuất. Đối với các hộ có người ốm đau, bệnh tật kéo dài, thành phố trích ngân sách mua BHYT tự nguyện giúp họ có điều kiện chữa bệnh, năm 2013 cấp cho 565 khẩu nghèo, 903 khẩu cận nghèo. Đối với nhóm cần trợ cấp xã hội, từ năm 2012 đã điều chỉnh mức trợ cấp bổ sung của thành phố cho 112 đối tượng đang hưởng trợ cấp 145.000 đồng/tháng để tổng thu nhập đạt trên chuẩn nghèo năm 2010.
Duy Hiền