"Vợ chông tôi sinh được hai cậu con trai, Quý là con út. Thấy con bị bệnh, để lại di chứng teo chân, cả gia đình rất lo lắng, thương con. Vợ chồng tôi không tiếc của, tiếc công đưa con đi chữa bệnh ở khắp nơi, nhưng bệnh tình của con không khá hơn. Hàng chục năm sau đó, con phải di chuyển bằng cách… bò, lết. Con đến trường bằng đôi chân của bố mẹ"- ông Phan Mạnh Quyên, bố của Quý chia sẻ.
Năm 2000, là một năm đáng nhớ đối với Quý và gia đình khi em được một bác sĩ giỏi nhận phẫu thuật. Trong năm đó, Quý trải qua 3 lần phẫu thuật và một thời gian dài tập phục hồi chức năng. Cuối cùng, Quý đã đi được những bước chân đầu tiên, dù rằng mỗi bước đi còn nhiều khó khăn, đau đớn. Song, chừng đó cũng đủ để thắp nên niềm hi vọng cho cả gia đình.
Quý vẫn được bố mẹ đưa đi học mỗi ngày. Đến năm lớp 10, em quyết định nghỉ học để… đi làm. "Khi ấy, cô giáo chủ nhiệm đến nhà vận động cho em tiếp tục đến trường bởi em luôn là học sinh khá của lớp. Cô giáo nói rằng, cô sẵn sàng giúp gia đình việc đưa, đón em đến trường mỗi khi bố mẹ bận đi làm. Nhưng em kiên định với quyết định của mình. Bởi khi đó, em thật khó lựa chọn được một nghề nghiệp nào sau khi tốt nghiệp THPT mà phù hợp với thể trạng khuyết tật của mình. Em nghỉ học để bắt đầu đi làm, em cần phải có việc làm để khẳng định được bản thân"- Quý nhớ lại.
Nhưng cuộc sống không dễ dàng như suy nghĩ của cậu học trò mới ở ngưỡng cửa cuộc đời. Quý xin đi làm thợ đánh giấy ráp cho một xưởng gỗ ở Nam Định, thu nhập bấp bênh và rất vất vả. Đi làm một thời gian, Minh Quý thấy rằng nếu không có nghề gì trong tay thì rất khó duy trì được công việc ổn định.
Năm 2011, Quý quyết định trở về quê để đi học nghề may từ xưởng may của cô Sáu- một người khuyết tật ở huyện Yên Mô. Học ở cô Sáu, không những được truyền dạy kỹ năng nghề, anh Quý còn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực của một người khuyết tật giàu nghị lực như cô. Anh Quý thêm tự tin hơn vào cuộc sống, vào chính bản thân mình, từ đó xây dựng mục tiêu cụ thể để phấn đấu vươn lên. Nhờ chăm chỉ học mà anh Quý đã trở thành một thợ có tay nghề tốt. Anh quyết định đi xin việc làm ở những công ty lớn hơn.
Nhưng như anh Quý nói, đi xin việc là một hành trình mới gian nan và... dễ tổn thương đối với những người khuyết tật. Quý đi khắp nơi nhưng không chủ doanh nghiệp nào muốn nhận một người khuyết tật vào làm. Không nản, anh đi nộp hồ sơ ở các doanh nghiệp bên tỉnh Nam Định, bởi ở thời điểm những năm 2011-2012, ở tỉnh Ninh Bình chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc.
Cầm hồ sơ đi xin việc, niềm tin mãnh liệt nhất của Quý đó chính là tay nghề. Và rồi may mắn đã mỉm cười với Quý khi anh được một công ty liên doanh với nước ngoài cho thử tay nghề. Trực tiếp Tổng giám đốc người Hàn Quốc tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với Quý. Làm việc chăm chỉ với kỹ năng tay nghề tốt, mỗi tháng, anh Quý nhận được mức lương trên 4 triệu đồng/tháng- một mức lương cao ở thời điểm đó.
Công việc trên đà thuận lợi thì Quý lại đưa ra một quyết định táo bạo: về quê để mở xưởng may để tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ và lao động lớn tuổi ở địa phương. Với sự giúp vốn của gia đình, vốn tích cóp nhiều năm đi làm, Quý mở được một xưởng may vào năm 2020 với tổng số vốn xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị… là trên 800 triệu đồng. Quý đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Tuy nhiên, năm 2020, cũng như rất nhiều công ty lớn, nhỏ hoạt động trong lĩnh vực may mặc khác, xưởng may nhỏ của Quý cũng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Trong khoảng thời gian này, anh Quý dành thời gian này để dạy nghề cho người khuyết tật, cho phụ nữ ngoài tuổi 40. "Tôi mở rộng các mối quan hệ để tìm kiếm đối tác mới. Cùng với đó, tôi phải chuẩn bị cho mình một lực lượng lao động ổn định, điêu luyện về tay nghề để khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xưởng may sẽ tiếp tục sản xuất để kịp thời hoàn thành các đơn hàng đã ký kết. Tôi rất muốn tạo cơ hội việc làm cho những người cùng cảnh, để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm áp lực cho công tác an sinh xã hội ở địa phương"- anh Quý chia sẻ.
Nguyên Thị Mai ở xã Lang Phong là cô gái trẻ rất xinh xắn. Mai bị câm điếc bẩm sinh. Cô Lý, mẹ của Mai đã đưa con đến học nghề tại xưởng may của anh Phan Minh Quý.
Cô Lý chia sẻ: nhìn con gái khỏe mạnh nhưng lại không thể tự tin hòa nhập với cộng đồng vì bị câm điếc bẩm sinh, tôi đau lòng lắm. Khi cháu Quý mở xưởng may tại địa phương, tôi đã đưa Mai đến học nghề. Tôi mong cháu có thể học thành nghề tự mưu sinh và hơn tất cả, tôi mong cháu sẽ có thêm sự tự tin, lạc quan và giàu nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.
Với những nỗ lực không ngừng, vừa qua anh Phan Minh Quý là người khuyết tật duy nhất của tỉnh Ninh Bình, là 1 trong 64 người khuyết tật giàu nghị lực trong toàn quốc đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tôn vinh tại Chương trình "Tỏa sáng Nghị lực Việt". Phần thưởng này sẽ tiếp thêm nguồn năng lượng mới để Quy tiếp tục chinh phục mọi khó khăn để vươn lên trong chặng đường ở phía trước.
Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Khuyết tật tỉnh Ninh Bình cho biết: những năm qua, Đảng, Nhà nước không ngừng chăm lo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của một bộ phận không nhỏ người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm để họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Phan Minh Quý là một câu chuyện đẹp, là một tấm gương vượt qua nghịch cảnh để kiến tạo cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Quý đã truyền cảm hứng đến những người đồng cảnh ngộ và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng một thông điệp: sức mạnh không đến từ thể chất mà nó đến từ ý chí, từ nghị lực.
Đào Hằng