Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Thanh tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 239, Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 1999, anh xuất ngũ, tham gia công tác tại địa phương. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, năm 2010, anh được cấp ủy, chính quyền xã Chính Tâm bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Ban CHQS xã. ở cương vị của mình, anh đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích trong công tác.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Thanh cho biết: Chính Tâm là một xã có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa (chiếm 83,7% dân số). Người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp, ngoài 2 vụ lúa trong năm còn có thêm nghề phụ như đan cói, mây tre… Số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đi học, đi làm ở các công ty hoặc đi làm ăn xa nhiều, số thực tế có mặt tại địa phương chỉ còn lại khoảng 25%. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ còn hạn chế, nhiều thanh niên có biểu hiện trốn tránh, không chấp hành khi địa phương có thông báo tổ chức sơ tuyển, khám tuyển. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đăng ký, quản lý nguồn và gọi thanh niên nhập ngũ hàng năm. Trên cương vị của mình, chỉ huy trưởng Phạm Văn Thanh đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, UBND, Hội đồng NVQS xã triển khai các Nghị quyết, kế hoạch, đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện công tác quân sự, quốc phòng địa phương; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các khu dân cư phải có kế hoạch, chương trình phối hợp hoạt động để tuyên truyền về Luật NVQS cũng như nghĩa vụ và quyền lợi của công dân.
Xác định để quản lý nguồn sẵn sàng nhập ngũ ở địa phương thì phải sâu sắt nắm chắc nguồn ngay từ khi đăng ký độ tuổi 17, anh cùng các đồng chí trong Ban CHQS xã tiến hành phân loại, tập trung vào những thanh niên đủ điều kiện. Trong công tác quản lý chất lượng nguồn, anh lập sổ nhật ký theo dõi về trình độ văn hóa, sức khỏe, phẩm chất đạo đức, lối sống…, đặc biệt là chú ý đến hoàn cảnh gia đình của từng thanh niên. Đối với những thanh niên đi làm ăn xa, bản thân thanh niên và gia đình đều phải cam kết khi chính quyền yêu cầu, gia đình phải có trách nhiệm thông báo cho thanh niên về địa phương thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trong công tác vận động quần chúng nhân dân thực hiện Luật NVQS, anh Thanh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể tổ chức các hoạt động cụ thể nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm của công dân với phương châm "sống tốt đời đẹp đạo", "kính chúa, yêu nước". Về phần mình, anh dành thời gian đến từng gia đình, gặp gỡ, chia sẻ, động viên thanh niên bằng tình cảm và sự quan tâm chân thành. Có những trường hợp gia đình gây khó khăn, tìm cách trốn tránh, anh tranh thủ thời gian tìm hiểu những băn khoăn của từng đối tượng, từ đó tiếp cận, phân tích cho gia đình và bản thân thanh niên hiểu hết ý nghĩa của việc thực hiện Luật NVQS, thấy được những tấm gương sáng đã rèn luyện, thành công trong quân đội. Từ đó, giúp thanh niên nhận thức được vấn đề, phấn khởi lên đường nhập ngũ. Để đảm bảo sự công bằng, nghiêm túc trong triển khai thực hiện Luật NVQS, anh đã tham mưu cho chính quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật NVQS và thông báo trên hệ thống truyền thanh của xã.
Bên cạnh đó, anh còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội như: giúp đỡ gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trước khi lên đường nhập ngũ, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho thanh niên, động viên thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 2012 đến năm 2017, xã đã bàn giao 50 thanh niên cho các đơn vị nhận quân, đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Những đóng góp tích cực của chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phạm Văn Thanh đã góp phần cùng lực lượng vũ trang xã Chính Tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự- quốc phòng địa phương, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Khải Hoàn