Ông Tân cho biết: Nghề làm bún, bánh từ lâu đã trở thành nghề gia truyền của nhiều hộ gia đình nông dân trong phường. Thế nhưng để phát triển được nghề thì không hề đơn giản, nhất là về vốn. Sau nhiều năm cố gắng, lại được sự giúp đỡ của Hội Nông dân phường tạo điều kiện đứng ra tín chấp cho vay 30 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng thêm số tiền vay vượn từ anh em, bạn bè, gia đình ông dần mở rộng quy mô sản xuất và mang lại hiệu quả cao. "Số tiền vay được từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tuy chưa nhiều nhưng đã khích lệ gia đình tôi quyết tâm vươn lên trong sản xuất vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa góp phần tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là trong quá trình đô thị hóa không còn diện tích đất nông nghiệp để sản xuất" - ông Tân bộc bạch. Hiện nay, gia đình ông đã có 1 xưởng chính để sản xuất bún, bánh tạo việc làm cho 50 hội viên/năm với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Quy trình sản xuất bún, bánh của gia đình ông Tân luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để tạo ra được sản phẩm bún, bánh trắng, thơm, dẻo, ngọt đến tay người tiêu dùng thì các yếu tố trong sản xuất (nguồn nước, không khí, hệ thống sản xuất nước lọc, nước thải) được bố trí khoa học, hợp lý; nguyên liệu làm bún là gạo có xuất xứ rõ ràng không nhiễm các chất hóa học; quá trình sản xuất không dùng hóa chất tẩy trắng, chất phụ gia nấu chín vắt sợi khép kín bằng lò điện.
Vì vậy, sản phẩm bún bánh của gia đình ông được tiêu thụ đều đặn, có những thời điểm không đủ để cung cấp cho khách hàng. Bằng nguồn thu nhập từ sản xuất bún gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang, sạch sẽ, nuôi 2 con tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nam Thành cho biết: "Nhờ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông Tân đã vượt lên những khó khăn ban đầu về nguồn vốn, nhân công lao động, phát triển khách hàng... tranh thủ mọi điều kiện, tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh của các hộ làm bún bánh thành công tại các địa phương trong tỉnh.
Đặc biệt, ông đã phối hợp với HND phường dạy nghề cho nhiều hội viên nông dân thực hiện thu hồi đất nông nghiệp, tạo việc làm cho hơn 50 lượt hội viên mỗi năm; hăng hái tham gia hoạt động xã hội".
Học tập từ mô hình sản xuất của gia đình ông Tân, đến nay, trên địa bàn phường đã có 10 hộ gia đình có xưởng sản xuất bún, bánh với số lượng công nhân làm việc ổn định liên tục có lúc lên tới 15 người/xưởng, thu nhập bình quân của lao động đạt 3- 5 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân của các hộ đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Các hộ làm bún đều cam kết sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Đàm Văn Tân là hội viên chủ động sáng tạo trong kinh doanh, tiên phong đi đầu trong việc ký cam kết nông dân "Nói không với thực phẩm bẩn". Năm 2016, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Phạm Hường(HND tỉnh Ninh Bình)