Chúng tôi tới thăm gia đình ông Trần Mạnh Hùng khi những ngày đầu năm mới vừa đến. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Hùng cùng các thành viên trong gia đình đang phơi sản phẩm bèo bồng mới được hoàn thiện. Nghỉ tay tiếp chúng tôi, ông Hùng cười khiêm tốn: Muốn tuyên truyền, vận động được nhân dân thực hiện tốt các phong trào của địa phương thì bản thân người đi vận động phải gương mẫu, đi đầu trước đã. Với cương vị là Chủ tịch MTTQ xã, tôi lại càng phải gương mẫu trong các phong trào thi đua, đặc biệt là trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Hùng cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xóm 5, xã Chính Tâm, cũng như hầu hết người dân nơi đây, gia đình ông Hùng sống dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Ngoài nông nghiệp ra, bà con làm nghề dệt chiếu để có thêm thu nhập. Nhưng vào đầu những năm 1990, nghề dệt chiếu mai một do khó khăn trong tìm kiếm thị trường.
Vì vậy, đa số người dân đều bỏ nghề. Nhưng bỏ nghề truyền thống ấy rồi thì lấy gì để kiếm sống? Sau bao ngày trăn trở, ông Hùng quyết định chuyển đổi từ nghề dệt chiếu sang làm nghề se cói, đan bèo bồng. Thời ấy, đây là nghề khá mới mẻ, chưa có nhiều người làm.
"Nếu phát triển nghề này thì có một thuận lợi lớn đó là tận dụng được lực lượng lao động dồi dào, lành nghề ở địa phương. Hơn nữa, Kim Sơn là vùng đất khá phù hợp để cây bèo bồng phát triển nên sẽ không lo bị động về nguồn nguyên liệu. Đặc biệt, so sánh với nghề dệt chiếu thì nghề đan cói, bèo bồng cho thu nhập cao hơn từ 30-50 nghìn đồng/ngày công.
Tuy nhiên, làm nghề đan bèo bồng khó khăn nhất là phụ thuộc đầu ra sản phẩm. Sẽ có rất nhiều khó khăn, song tôi vẫn muốn tìm hướng đi mới để vừa phát triển kinh tế lại vừa duy trì được nghề truyền thống hàng trăm năm này. Cân nhắc mọi điều kiện rồi, tôi quyết định bắt tay vào phát triển nghề đan cói, bèo bồng ấy"- ông Hùng chia sẻ.
Vậy là một mặt ông Hùng bôn ba đi khắp nơi tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm và tìm đến những nơi nghề phát triển mạnh để vừa học hỏi thêm kỹ thuật làm nghề, vừa tham khảo thêm mẫu mã sản phẩm, mặt khác ông tuyên truyền để bà con địa phương hiểu về ý nghĩa của việc học nghề, từ đó ông truyền dạy nghề cho bà con.
Với sự cẩn thận, tỉ mỉ và trách nhiệm cao trong công việc nên xưởng của ông Hùng ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, mẫu mã như: Làn, giỏ, bình hoa, khay… Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn tạo việc làm cho 150-200 lao động địa phương với việc tạo ra hàng nghìn sản phẩm mỗi tháng. Thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hùng còn là một trong những người gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở xóm. Đặc biệt, trong phong trào làm đường giao thông nội đồng và giao thông liên thôn, xóm, ông đã khéo vận động nhân dân hiến đất, làm đường. Nhiều khi vừa hướng dẫn bà con kỹ thuật làm nghề, ông Hùng lại tranh thủ tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, các phong trào do địa phương phát động.
Những lý lẽ hợp tình, hợp lý của ông Chủ tịch MTTQ xã đã tạo được niềm tin, sự yêu mến đối với người dân địa phương. Với những thành tích đó, ông Hùng đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "sản xuất, kinh doanh giỏi" và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2016.
Nguyễn Hùng