Tìm hiểu quá trình đầu tư, phát triển vườn cảnh của ông, được biết: Từ những năm 1990, ông đã bắt đầu chơi cây cảnh, ban đầu ông vào núi sưu tầm các gốc cây, hòn đá có kiểu dáng lạ mắt mang về chơi. Sau đó càng ngày ông càng say mê nghệ thuật và làm sinh vật cảnh nên ông đã tự học hỏi cách ươm, tạo thế và chăm sóc cho từng loại cây cảnh và cả cách làm chậu cây. Đến nay ông đã tích lũy được một khối lượng kiến thức rất sâu rộng về nghề làm sinh vật cảnh.
Ông chia sẻ: Kinh nghiệm khi lấy cây phôi về phải cắt tỉa hết rễ dập, bôi thuốc kích thích và để cây hơi héo đi rồi mới giâm vào hỗn hợp cát trộn xỉ; trong thời gian này phải đảm bảo độ ẩm thích hợp, ánh sáng vừa phải và tuyệt đối không để cây bị úng nước. Khi cây đã dần phục hồi thì mới đưa ra chỗ sáng. Riêng việc uốn sửa cây thì phải uốn vào lúc trời nắng vì lúc đó thân cây mềm, dễ uốn. Nếu trong quá trình uốn mà cành bị giập thì phải dùng băng dính quấn lại không cho nước vào.
Về việc cắt tỉa thì có một nguyên tắc chung là: Những cành ở điểm lồi (điểm dương) thì để lại còn những cành trong bụng thì nên cắt đi, đôi khi có những mầm nhỏ nhưng ở đúng điểm cần thì vẫn phải nuôi… Có thể nói ông có rất nhiều những kinh nghiệm hay và thú vị mà không phải ai chơi cây cũng có thể biết mà chỉ những người có óc quan sát, có khả năng suy luận, đam mê tìm tòi học hỏi như ông mới có được.
Sau gần 20 năm cùng với niềm đam mê sưu tầm, trồng, chăm sóc và tạo thế cho từng cây cảnh, đến nay vườn cảnh nhà ông đã có khoảng 200 chậu cây nghệ thuật to nhỏ với đủ các loại thế, mỗi cây mỗi dáng vẻ khác nhau. Mỗi cây có giá trị đến vài chục triệu đồng và có cây đã được trả giá hàng trăm triệu đồng. Ông tâm sự: Tạo thế cho cây phải rất công phu, nhiều khi phải mất hàng chục năm nuôi dưỡng, uốn tỉa mới tạo được một cây thế đẹp. Chính vì vậy mà cây cảnh của ông dù to, dù nhỏ mỗi cây đều có những nét riêng, rất độc đáo, vừa có nét cổ kính, mạnh mẽ nhưng lại mềm mại và đặc biệt là không đơn điệu.
Ngoài việc trồng và chăm sóc cây cảnh ông Kiệm còn có nghề làm chậu cây, một tháng ông xuất ra 50-60 chiếc chậu, ang chậu; có những cái đường kính lên tới 2-2,5 m. Cũng nhờ kinh nghiệm có được từ việc làm mộc và làm thợ xây ngày trước nên ông đã tự mày mò, sáng chế ra các mẫu chậu, ang chậu đẹp và lạ mắt. Tiếng lành đồn xa nhiều khách hàng từ Bỉm Sơn, Thanh Hóa đến thành phố Ninh Bình đã đến đặt mua chậu của ông.
Xem ông làm chậu tôi thật bất ngờ bởi những sáng tạo của ông từ việc làm khuôn, tạo hoa văn ông đều sáng chế ra những dụng cụ phụ trợ rất đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm được rất nhiều công sức như dụng cụ làm ghờ chậu, dụng cụ làm chân chậu… Ông cho biết, riêng thu nhập từ việc làm chậu hàng năm cũng đạt 30-40 triệu đồng. Còn nguồn thu từ bán cây thì không hạch toán được vì hầu hết tiền thu vào ông lại đầu tư mua cây mới.
Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội sinh vật cảnh thị xã, được công nhận là nghệ nhân cấp tỉnh nên ngoài việc chăm sóc và kinh doanh vườn cảnh của mình, ông Kiệm còn giúp các hội viên mới về cách trồng, chăm sóc và tạo thế cây.
Ông tâm niệm: Không gì bằng kinh nghiệm thực tế nên ông thường xuyên đi tham quan học hỏi ở các nơi, đọc thêm sách báo đặc biệt là tạp chí Việt Nam hương sắc. Dưới bàn tay chăm sóc của ông vườn cảnh ngày một xanh tốt và được Hội sinh vật cảnh của tỉnh đánh giá là một trong những vườn cảnh có giá trị cả về số lượng, chất lượng và nghệ thuật.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu