Ông Mostafa Mohammad-Najjar, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran cho biết, Tổng thống đắc cử đã giành được 18.613.320 phiếu bầu trên tổng số 36.704.156 phiếu đã bỏ. Với kết quả này, ông Rouhani đã giành chiến thắng trực tiếp và bỏ qua vòng bỏ phiếu thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 21-6 tới.
Các ứng cử viên theo đường lối bảo thủ tụt lại khá xa so với ông Rouhani. Người có kết quả khả quan nhất là thị trưởng TP Tehran, ông Mohammad-Baqer Qalibaf cũng chỉ giành được 16,58% số phiếu bầu. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Iran, có khoảng 72,2% trong số hơn 50 triệu cử tri hợp lệ của Iran đã tham gia bỏ phiếu.
Ngày 15-6, kênh truyền hình Press TV đưa tin, Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei của Iran đã chúc mừng ông Rouhani đã trở thành Tổng thống mới của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong một thông cáo, ông Khamenei đã tuyên bố rằng ông Rouhani là tổng thống của toàn dân tộc và dân tộc Iran mới là người chiến thắng.
Ông cũng cảm ơn người dân Iran đã tham gia cuộc bầu cử một cách tích cực với số lượng đông đảo, làm "vô hiệu hóa các âm mưu" của những kẻ thù của đất nước Iran. Vào ngày 3-8 tới, ông Ayatollah Khamenei sẽ phê chuẩn kết quả cuộc bầu cử và sau đó, Tổng thống mới sẽ tuyên thệ tại Quốc hội.
Tổng thống Iran đương nhiệm, ông Mahmoud Ahmadinejad đã chúc mừng nhà lãnh đạo tối cao, dân tộc Iran và Tổng thống đắc cử Rouhani.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Iran, ông Rouhani nói rằng, đây là "chiến thắng của sự ôn hòa trước chủ nghĩa cực đoan". Ông nói: "Cảm ơn Thượng đế một lần nữa đã chiếu ánh sáng của sự hiểu biết và ôn hòa lên đất nước Iran" và tuyên bố rằng "không nghi ngờ gì nữa, người chiến thắng chính là dân tộc Iran".
Ông cũng thúc giục cộng đồng quốc tế tôn trọng và "chấp nhận các quyền của Iran" và nói chuyện với người Iran bằng "ngôn ngữ tôn trọng" để "họ có thể nhận được những phản ứng xứng đáng". Ông khẳng định rằng Iran và các cường quốc trên thế giới sẽ có thể "mở rộng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau" và sẽ có thể cùng nhau "thiết lập hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới và trong khu vực". Tổng thống đắc cử của Iran cũng kêu gọi các đối thủ cùng chung tay phục vụ đất nước.
Kỳ vọng của cử tri trong nước
Trong giai đoạn tranh cử, nhóm các ứng cử viên bảo thủ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nhiều so với nhóm cải cách. Tuy nhiên, ông Rouhani sau đó đã vượt lên trước với việc giương cao khẩu hiệu cải cách trong giai đoạn cuối của cuộc vận động bởi nó đáp ứng được khát vọng thay đổi của cử tri Iran.
Hiện nay, nền kinh tế Iran đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và EU trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ do chương trình hạt nhân của nước này. Trong chiến dịch tranh cử, ông Rouhani đã cam kết sẽ tìm cách nới lỏng lệnh các cấm vận này.
Chỉ số lạm phát ở Iran hiện đã lên tới hơn 30%, đồng rial bị mất 70% giá trị và tỷ lệ người thất nghiệp đang tăng cao. Khi tin tức về chiến thắng của ông Rouhani được công bố, hàng nghìn người ủng hộ ông Rouhani đã tụ tập tại quảng trường Vali-Asr ở trung tâm Thủ đô Tehran để ăn mừng chiến thắng và hô vang những khẩu hiệu như "Cải cách muôn năm, Rouhani muôn năm".
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Rouhani không có nghĩa là quan hệ cẳng thẳng giữa Iran và phương Tây sẽ sớm thay đổi. Việc giải quyết những tranh cãi chung quanh chương trình hạt nhân của Iran hay giảm bớt sự ủng hộ đối với chính quyền Syria trong cuộc nội chiến đều là những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia mà chỉ có Đại Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei mới là người có tiếng nói quyết định.
Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Các nước phương Tây đã có những phản ứng thận trọng với chiến thắng của ông Rouhani. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết chính quyền Mỹ sẽ tôn trọng kết quả cuộc bầu cử và tuyên bố rằng Mỹ sẽ "đàm phán trực tiếp với Iran" để tìm ra một "giải pháp ngoại giao có thể giải quyết hoàn toàn những lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran"
Còn Ngoại trưởng Anh thì kêu gọi ông Rouhani "đưa Iran theo một hướng đi khác cho tương lai, giải quyết những lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran..."
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Laurent Rabius nói rằng Pháp đã "sẵn sàng để làm việc" với ông Rouhani về chương trình hạt nhân của Iran và sự can thiệp của nước này vào cuộc xung đột ở Iran.
Trong thông điệp chúc mừng chiến thắng của ông Rouhani, Văn phòng Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon kêu gọi Iran nên đóng một "vai trò xây dựng" trong khu vực và các mối quan hệ quốc tế.
Bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, cho biết bà cam kết sẽ làm việc với ông Rouhani để tìm ra một "giải pháp ngoại giao" để sớm giải quyết những tranh cãi chung quanh chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Nhandandientu