Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và định hướng của ngành Công thương về bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2017, các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh đã chủ động cân đối thị trường, chuẩn bị lực lượng, phương tiện kho bãi dự trữ đủ nguồn hàng và cam kết không tăng giá trong dịp Tết, trong đó có nhiều doanh nghiệp không được hỗ trợ kinh phí bình ổn giá cũng cam kết không tăng giá; các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá cũng được doanh nghiệp tăng cường trong dịp Tết nhằm thu hút khách hàng.
Các mặt hàng chủ yếu phục vụ Tết được dự trữ đảm bảo đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường cả trước, trong và sau Tết. Cụ thể 6 doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH TM&XD Anh Đức, Công ty TNHH MTV Cường Thịnh, Công ty TNHH Ngọc Sơn, Công ty TNHH thương mại Hà Giang, Doanh nghiệp tư nhân Chính Gấm, Doanh nghiệp tư nhân Vượng Thủy đã dự trữ lượng hàng hóa trị giá khoảng 135 tỷ đồng, trong đó có khoảng 92 tỷ đồng là các loại mặt hàng như bánh kẹo; đường, mỳ chính; rượu, bia, nước giải khát; chè, cà phê, ngũ cốc; dầu ăn; hạt nêm, nước mắm, bột canh, mỳ tôm; nước tẩy rửa...
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đôn đốc, động viên và khuyến khích các siêu thị như Big C, VinMart... dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn. Các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu như Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình, Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Ninh Bình đã có kế hoạch dự trữ cung ứng khoảng 15.000m3 xăng, dầu để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tỉnh và các phương tiện giao thông qua lại trên địa bàn.
Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 20% so với mức tăng bình quân của các tháng trong năm, tăng khoảng 11% so với Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Giá trị hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán ước đạt khoảng 470 tỷ đồng.
Các mặt hàng bao gồm: Bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 550 tấn; hạt các loại khoảng 60 tấn; đường kính khoảng 150 tấn; dầu ăn khoảng 270 tấn; mỳ chính, bột ngọt khoảng 50 tấn; muối, bột canh, hạt nêm 140 tấn; chè các loại khoảng 25 tấn; gạo tẻ khoảng 2.400 tấn; gạo nếp khoảng 800 tấn; đậu xanh khoảng 130 tấn; thịt lợn khoảng 820 tấn; thịt bò khoảng 420 tấn; thịt gà khoảng 550 tấn; giá trị mặt hàng hoa cây cảnh, đào, quất dự kiến khoảng 28 tỷ đồng...
Tại một số huyện, thành phố đã tổ chức chợ hoa Xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm hoa, cây cảnh trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng hoa, cây cảnh năm nay chủ yếu là quất, đào, lan, bưởi cảnh, cam cảnh; mặt hàng rau, củ quả và thực phẩm tươi sống có nguồn cung mạnh do điều kiện thời tiết những tháng giáp Tết khá thuận lợi.
Các mặt hàng công nghệ phẩm phục vụ Tết chủ yếu là hàng hóa Việt Nam do các công ty có uy tín sản xuất như: Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH MTV rượu vang Thăng Long, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại Tràng An...; mặt hàng hoa, cây cảnh cũng đã được bày bán từ ngày 15 tháng Chạp.
Trên 100 điểm bán hàng bình ổn giá tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp, đăng ký bán 231 mặt hàng bình ổn giá thuộc 7 nhóm hàng đã tạo hiệu ứng lan tỏa cho thị trường, góp phần ổn định thị trường, giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm nay.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh khác cũng cam kết không tăng giá, triển khai chương trình "Khóa giá", giá hàng hóa được giữ cố định như đã niêm yết ngay cả khi giá sản phẩm cùng loại trên thị trường có biến động đã góp phần ổn định thị trường, giá cả hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Cũng theo ông Hoàng Trung Kiên, nhìn chung tình hình thị trường hàng hóa Tết năm nay tương đối ổn định, giá cả một số ít hàng hóa có biến động nhưng không lớn, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến hoặc khan hiếm hàng hóa, tình trạng buôn lậu gian lận thương mại được kiểm soát.
Từ ngày mùng 2 Tết, các cửa hàng, chợ trên địa bàn tỉnh mở cửa kinh doanh trở lại, giá hàng hóa thiết yếu sau Tết cũng không có biến động lớn.
Theo khảo sát của phóng viên, trái với quy luật sau Tết thường tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, năm nay, thị trường khá ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Rau xanh là mặt hàng luôn có sức mua lớn và hàng năm thường xảy ra tình trạng khan hiếm rau hoặc tăng giá đột biến vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, năm nay, trong điều kiện thời tiết ấm áp, các loại rau, củ quả đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch đồng loạt, vì vậy, lượng rau, củ quả tương đối dồi dào, không xảy ra sự biến động về giá, không có hiện tượng "hét giá", đẩy giá lên cao.
Cụ thể: Rau cải bắp 8.000 đồng/bắp, su hào 3.000 đồng/củ, cà chua 8.000 đồng/kg, các loại rau cải cúc, xà lách, súp lơ giá vẫn ổn định so với trước Tết.
Đối với các mặt hàng thực phẩm như: Thịt bò, gà, thịt lợn… giá cũng được giữ ở mức ổn định, giá thịt bò hiện đang ở mức giá từ 250 - 260 nghìn đồng/kg; thịt lợn dao động từ 90 -100 nghìn đồng/kg; thịt gà ta 110 - 130 nghìn đồng/kg. Giá các loại hải sản tươi sống khá ổn định, cá chép từ 70 - 100 nghìn đồng/kg, cá trắm to từ 70 - 80 nghìn đồng/kg…
Trong khi giá thực phẩm, các nhu yếu phẩm như nước giải khát, rượu, bia tương đối ổn định trước và sau Tết, thì giá hoa quả đặc sản lại tăng như: Quýt đường canh, bưởi Diễn và các loại hoa quả nhập khẩu như nho, táo, lê, nguyên nhân do trong Tết hàng về ít nhưng nhu cầu cao để đi lễ.
Theo các tiểu thương tại chợ Kim Đồng (thành phố Ninh Bình), sau Tết năm nay giá thực phẩm không tăng như nhiều năm trước và sức mua của người dân cũng vừa phải. Chợ nhóm họp trở lại từ ngày mùng 2 Tết với nhiều mặt hàng nên người dân thuận lợi hơn trong việc mua sắm.
Đánh giá chung của Sở Công thương cũng cho thấy, năm nay, việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán từ thành thị cho đến nông thôn đều được đảm bảo và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Giá cả thị trường tuy có tăng nhẹ trong những ngày cận Tết và những ngày đầu năm mới nhưng cơ bản vẫn đảm bảo ổn định. Hiện tại, giá cả hầu hết các mặt hàng đang dần trở về mức giá thường nhật.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm