Vụ này, toàn huyện Kim Sơn có 6 đơn vị vùng bãi bồi ven biển nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích 2.064 ha, chủ yếu nuôi tôm sú và cua càng xanh. Tình hình nuôi trồng thủy sản đang phát triển tốt, con tôm đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển nhanh thì xảy ra hiện tượng tôm chết rải rác trong các ao đầm của một số hộ nuôi trong vùng, đặc biệt đã có nhiều hộ tôm chết từ 90 - 100%.
Theo số liệu của Trạm kiểm dịch thủy sản (KDTS), diện tích ao đầm của cả 6 đơn vị nuôi trồng thủy sản đều có tôm bị chết. Tính đến ngày 10/6, toàn huyện có 792 hộ (466,1ha) có tôm bị chết, chiếm 24,9% số hộ nuôi trồng thủy sản Theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, nhân dân chủ động xử lý môi trường, chú ý cho ăn đúng cách, cộng với thời tiết mát mẻ nên tình hình tôm chết đã giảm hẳn. Từ ngày 2-9/6, toàn huyện chỉ còn 3 ha (7 hộ) của đoàn 279 có tôm bị chết.
Về xã Kim Đông và được Ông Lê Văn Bường, Chủ nhiệm HTX Kim Đông tiếp và dẫn xuống các hộ nuôi. Đứng trước đầm tôm đang phơi ao của anh Nguyễn Văn Trọng, ông nói: "Hộ này nuôi hơn một ha tôm, đầu tư vào đây rất lớn, lại là vốn đi vay, nhưng gần được thu hoạch thì tôm lủi đầu và chết, chỉ sau vài ngày tôm chết gần hết".
Còn anh Trọng thì cho biết: "Nghe cán bộ hướng dẫn, tôi bơm hết nước trong đầm cải tạo để tiếp tục thả lứa khác vì thời vụ còn, nhưng đầu tư không biết có gỡ được vốn không hay lại nợ ngập đầu". Gần đó là đầm nuôi tôm của ông Tiện, một trong những hộ có tôm bị chết rải rác, nhưng đến nay tôm đã phát triển bình thường trở lại. Ông nói "con tôm của nhà tôi đang phát triển tốt, nhưng cuối tháng 5 thấy tôm chết rải rác quanh đầm, tôi rất lo lắng, sợ bị dịch bệnh thì mất trắng. Tôi mang mẫu tôm và nước đến Trạm KDTS xét nghiệm, được biết rõ nguyên nhân và hướng dẫn kỹ thuật để cải thiện, tôi đã về làm ngay, chỉ sau vài ngày tôm không bị chết nữa". Cũng theo một số hộ nuôi tôm ở đây, con tôm đã ổn định trở lại, người dân đã bớt đi sự lo lắng trước nguy cơ mất trắng.
Xã Kim Trung, có diện tích tôm bị chết ít hơn. Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Trường Thu, Văn phòng HĐND - UBND xã cho biết: Tính đến ngày 2/6 địa phương có 15 ha tôm bị chết, chiếm khoảng 5,5% diện tích nuôi tôm toàn xã.
Theo ông Trần Đức Sáng, Trạm trưởng Trạm KDTS, những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tôm chết rải rác là do thời tiết bị xáo trộn, mưa nắng thất thường, nên ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của tôm. Việc quản lý nguồn con giống nhập vào địa bàn chưa triệt để, chủ dịch vụ còn lẩn tránh các cơ quan chuyên môn.
Năm 2008, chỉ có 63,7 triệu tôm giống được kiểm dịch trên tổng số 125 triệu tôm giống thả vào đầm nuôi. Có khoảng 40 -50% số hộ chưa theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật mua nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng con giống kém. Có nhiều hộ thả giống rất nhiều lần, không cần biết nguồn gốc. Các hộ đã cải tạo ao nuôi chưa đúng quy trình kĩ thuật, chưa tuân theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Nhiều hộ bỏ qua công đoạn thau rửa nước vôi khi cải tạo đã làm cho độ Ph trong ao ở mức rất cao, khi có biến động thời tiết thay đổi, khí độc từ lòng đất bốc ra làm cho tôm chết do ngộ độc. Trong khi đó tập quán sản xuất còn mang nặng tư tưởng may rủi, vẫn còn một số hộ cho ăn thức ăn kém chất lượng, chế độ sử dụng không hợp lý, khẩu phần thức ăn lúc thừa, lúc thiếu.
Các đầm nuôi ở Kim Đông có tôm chết nhiều là do người dân ở đây đào đắp ao đầm không đúng quy cách; không đủ vốn để đầu tư vào đầm triệt để, mực nước nuôi tôm không đảm bảo. Khi thời tiết thay đổi làm cho môi trường nước nuôi thay đổi nhanh, tôm không thích ứng kịp dẫn đến chết. Phần lớn các đầm nuôi ở Kim Đông có tôm chết yểu ở trong tình trạng này.
Để kịp thời ngăn chặn việc tôm chết và khắc phục hậu quả, Chi cục Thủy sản, phòng Kinh tế Biển huyện Kim Sơn đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giúp người dân hiểu rõ nguyên nhân và nắm vững kỹ thuật. Do mùa vụ nuôi tôm còn cho phép, vì vậy các ao đầm có tôm bị chết từ 80 -100% có thể cải tạo lại ao đầm theo đúng kỹ thuật và chọn mua giống tôm đảm bảo chất lượng để đưa vào nuôi tiếp. Hoặc có thể tát ao đầm cải tạo tốt để chuyển sang nuôi các đối tượng khác như cua xanh, những ao đầm bị ô nhiễm do chất đáy lắng đọng nhiều chất hữu cơ nên chuyển sang nuôi rô phi đơn tính để cải thiện môi trường nuôi cho năm sau. Những ao đầm có tôm bị chết ít nên mua giống tôm đảm bảo chất lượng để thả bổ sung vào nuôi.
Hiện tại các cán bộ kỹ thuật của Trạm KDTS vẫn tiếp tục xuống các đầm nuôi kiểm tra, thu mẫu môi trường, mẫu bệnh để phân tích, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong vùng. Cụm thủy nông Bình Minh đang tích cực thay tháo nước theo kế hoạch để nhân dân có điều kiện cải thiện môi trường nuôi. Đã có nhiều hộ thu tỉa tôm nuôi, ước sản lượng thu hoạch toàn vùng đạt 3 - 4 tấn/ngày, cỡ tôm thu hoạch đạt 40 - 50 con/kg, loại 30 con/kg rất ít, giá bán mặt bằng là 120.000 - 130.000 đồng/kg loại 30 con/kg.
Bên cạnh các hộ sản xuất theo tập quán cũ hiệu quả chưa cao, vẫn có nhiều hộ sản xuất cho kết quả sản xuất ổn định, khẳng định hiệu quả của việc nuôi tôm tại vùng bãi bồi.
Hương Giang