Các nhà khoa học Mỹ trên tạp chí "Khoa học" số ra mới đây cho biết, trong vòng 30 năm trở lại đây, lượng khí dung (aérosol) và khí điôxít lưu hùynh (SO2) thải vào bầu khí quyển ngày càng tăng khiến độ sáng của bầu trời ngày càng giảm đi.
Các nhà khoa học cho biết độ sáng của bầu trời ở khu vực Nam Á và Nam Mỹ bị giảm mạnh nhất do lượng khí ô nhiễm quá cao, tiếp theo là khu vực Đông Á, châu Đại Dương và châu Phi. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học thuộc trường Đại học Maryland - Mỹ, tiến hành trên cơ sở tổng hợp và phân tích những dữ liệu thu thập từ hơn 3.000 trạm khí tượng đặt khắp nơi trên Trái Đất trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 2007. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây ô nhiễm bầu không khí Trái đất rất đa dạng, song chủ yếu là do con người sử dụng quá nhiều than và củi đốt. Đặc biệt ở khu vực Nam Á, hai nguồn nhiên liệu này tạo ra một lượng lớn khí dung và khí SO2, nguyên nhân gây ra những trận mưa axít độc hại. Năm 2002, một báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã cảnh báo việc xuất hiện khá thường xuyên và kéo dài những đám mây bồ hóng dày đến 3 km bao phủ tiểu lục địa Nam Á (khu vực Ấn Độ), chủ yếu do người dân khu vực này sử dụng quá nhiều than củi và phân bò để làm nhiên liệu sưởi ấm và nấu ăn. Việc gia tăng lượng khí dung và các thành phần khí có chứa chất lưu hùynh đã tạo nên những giọt mưa axít, hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến khí hậu Trái đất. Chúng tạo ra những đám mây bụi chặn một phần các tia bức xạ mặt trời, khiến cho nhiệt độ giảm. Bên cạnh đó, hiện tượng ô nhiễm không khí này còn gây rối loạn các chế độ gió mùa và mưa. Ngoài ra, tác động của nó đối với sức khỏe là điều không thể phủ nhận. Một số nghiên cứu khoa học đã cho thấy không khí ở Nam Á bị ô nhiễm là nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm của khoảng 100.000 người dân ở khu vực này mỗi năm.
Theo TTXVN/Vietnam+