Từ năm 1992 trở về trước, khi chưa có đê Hoàng Long, về mùa mưa cả huyện nửa năm đi lại bằng thuyền. Khi ấy Gia Thắng có nghề đan thuyền nan bằng tre nứa. Tỉnh ta lúc đó duy nhất chợ Gia Thắng chuyên mua bán thuyền, tháng họp 4 phiên rất sầm uất. Gần 80% số gia đình biết nuôi tằm dệt lụa và dệt vải bông. Vào nhà nào cũng bắt gặp các bà, các chị ngồi bên khung cửi, tiếng thoi đưa nghe rất vui tai. Lụa tơ tằm và vải bông ở Gia Thắng nổi tiếng khắp vùng vì đẹp và bền.
Người Gia Thắng còn biết nấu rượu, làm bún, tráng bánh đa. Bánh đúc bát ở đây ngon được nhiều người ưa thích. Nghề buôn bán cũng thịnh hành. Người Gia Thắng có mặt ở khắp các chợ lớn trong tỉnh, buôn bán các loại hàng hóa. Đây là những nghề có từ lâu đời, đến nay có nghề đã mai một nhưng lại có nghề phát triển rất mạnh nhờ được vay vốn ngân hàng và thị trường mở rộng. Gần đây Gia Thắng có thêm nghề thêu ren, trồng nấm, khâu nón, chăn nuôi... Đặc biệt, Gia Thắng có 2 nghề có thế mạnh là nuôi lợn nái và trồng rau.
Hiện cả xã có 810 hộ nuôi lợn nái, chiếm 85% tổng số hộ trong xã. Hộ nuôi ít nhất 2 ổ lợn, trung bình 4 ổ lợn. Có gia đình nuôi 10 ổ như ông Trần Đức Long. Mỗi năm Gia Thắng cung cấp ra thị trường ít nhất 12.000 lợn giống, thu về gần 3 tỷ đồng. Nhà nuôi ít thu được từ 2-3 triệu đồng. Ông Trần Đức Long có năm thu về được 25 triệu đồng từ bán lợn giống. Lợn giống của Gia Thắng được nhiều nơi ưa chuộng vì giống lai hay ăn, chóng lớn, nhiều nạc. Tư thương đến tận nhà thu mua rồi chuyển lên ô tô, xe máy đến các huyện, thị trong tỉnh, sang tận ý Yên (Nam Định), Kim Bảng (Hà Nam), Lạc Thủy, Yên Thủy (Hòa Bình). Gần đây ở hai thành phố Ninh Bình và Phủ Lý có xí nghiệp chế biến lợn sữa xuất khẩu nên nghề nuôi lợn nái ở Gia Thắng càng phát triển mạnh.
Mỗi vụ Gia Thắng trồng từ 180-200 mẫu rau trên đất hai lúa. Trong đó 50 mẫu ở vàn cao cấy lúa kém hiệu quả, bà con trồng rau quanh năm. Gia Thắng trồng rau đại trà về mùa đông, cây trồng chủ yếu là cà chua, su hào, bắp cải, cải xanh, gần đây đưa vào trồng dưa chuột trái vụ có thu nhập cao. Vừa qua, Gia Thắng đưa vào trồng thử nghiệm giống cà chua Pháp. Bà con quen gọi là cà chua nhiệt vì nó chịu nắng tốt. Mỗi sào thu từ 10-12 triệu đồng, gấp 5 lần trồng giống cũ. Nhiều hộ trồng từ 2-5 sào, thu được từ 20-50 triệu đồng như anh Phạm Văn Doanh, Đinh Văn Ngôn, Đinh Văn Khang... 200 mẫu trồng rau của Gia Thắng đã vượt xa chỉ tiêu 50 triệu đồng/ha/năm. Riêng rau xanh mỗi năm ước thu được trên 2 tỷ đồng.
Để giúp nông dân phát triển ngành nghề, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 80% số hộ được vay vốn, 72 gia đình được vay từ 5-10 triệu đồng. Người dân Gia Thắng hiểu rất rõ lợi ích và nghĩa vụ đối với đồng vốn được vay, nên đã chấp hành rất tốt quy định thanh toán gốc, lãi với Ngân hàng, không hộ nào để nợ quá hạn.
Ngành nghề đã giúp Gia Thắng thực hiện xóa nghèo, vươn lên làm giàu, hiện tại hộ nghèo trong xã còn không đáng kể, 30% hộ giàu, 95% gia đình có xe máy. Nhiều hộ có ô tô, nhà cao tầng, đường làng được rải nhựa, đổ bê tông sạch sẽ, có điện chiếu sáng... Hai trường tiểu học và THCS, trụ sở UBND, trạm xá xã được xây dựng khang trang, 100% gia đình có công trình nước sạch, có hố xí hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự được giữ vững, việc cưới, việc tang được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm. Nhưng vui hơn là ở Gia Thắng người nào cũng có việc làm quanh năm suốt tháng, không có "nông nhàn", ít có người phải "ly quê" kiếm sống.
Phùng Gia Mỹ
(Gia Trung - Gia Viễn)