Trước đây, buôn bán rắn hoang dã là một trong những nghề "truyền thống" của người dân Tùy Hối. Sau khi Luật Bảo vệ động vật hoang dã được ban hành, phong trào này có vẻ như tạm lắng, nhưng lãi suất từ rắn khiến người ta không thể bỏ quên nghề. Cộng thêm vào đó, lao động nông thôn đang đứng trước cơn bão phát triển của các khu công nghiệp..., nhiều gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp đã chuyển sang mô hình nuôi rắn sinh sản. Tuy hình thức nuôi còn manh mún, tự phát nhưng hướng đi mới này có nhiều triển vọng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2002 trở lại đây nghề nuôi rắn sinh sản đã phát triển khá sôi động ở nơi đây. Nuôi rắn sinh sản cho lãi cao mà đầu tư ban đầu và chi phí chăn nuôi không nhiều. Ban đầu chỉ cần mua khoảng 20 con giống (4 đực - 16 cái). Thức ăn của chúng cũng đơn giản và rẻ (khoảng 15.000 đồng/kg), 1 con rắn chỉ ăn hết 1 con cóc hoặc 2 con nhái/ngày. Rắn khoảng 0,7 kg trở lên là bắt đầu sinh sản và sinh sản rất nhanh, sau 6 tháng nó có thể sinh sản ra 600 con. Vào mùa sinh sản, rắn gầy và xấu mã, giá chỉ khoảng từ 300 - 450 nghìn đồng/kg, nhưng vào dịp cuối năm hoặc đầu năm rắn béo và là mùa tiêu thụ mạnh thì có thể lên tới 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng/1 kg. Anh Phạm Văn Hiển, hộ nuôi có số lượng lớn nhất xã với trên 1.500 con rắn độc các loại cho biết: Năm 2006, trừ hết chi phí gia đình anh cũng thu lãi trên 150 triệu đồng.
Nuôi rắn tuy cho lãi cao nhưng mức độ nguy hiểm cũng rất lớn. Nếu không cẩn thận thì chính người nuôi rắn có thể bị rắn cắn chết hoặc bị thương, vì vậy đòi hỏi người nuôi rắn phải có kỹ thuật và thực hiện chính xác kỹ thuật chăm sóc vì những loại rắn nuôi, chủ yếu là rắn độc như: rắn hổ trâu, hổ chúa. Đã không ít trường hợp người nuôi rắn chuyên nghiệp do chủ quan bị rắn cắn chết. Theo thống kê của đồng chí Chủ tịch UBND xã thì mấy năm gần đây đã có 3 người chết và gần chục người bị rắn cắn hủy hoại một phần cơ thể.
Theo kinh nghiệm nuôi rắn của gia đình anh Lâm Văn Thành: loài rắn rất dễ gần nếu như đã quen hơi. Nhưng anh Thành cho biết không nên nuôi nhiều con trong một lồng, rắn mới sinh chỉ để 10 con/1m2. Khi chúng được từ 0,2 kg trở lên thì phải tách chúng ra từng lồng riêng. Tránh không để chuồng ẩm ướt, lồng phải được lót bằng đất đồi khô và một tuần phải thay một lần. Đặc biệt khi cho rắn ăn phải mang đủ các thiết bị phòng hộ như kính, găng tay, ủng cao su... và nhất là không uống rượu trước khi vào chuồng rắn để tránh bị rắn cắn.
Hiện nay, thôn Tùy Hối có 8 gia đình nuôi rắn sinh sản và rất nhiều hộ gia đình khác đang muốn phát triển theo mô hình này. Vì mô hình này có hiệu quả kinh tế cao và có thể là hướng đi mới không chỉ của xã Gia Tân. Ông Nguyễn Trần Phú, Chủ tịch xã Gia Tân cho biết: Xã rất muốn nhân rộng mô hình nuôi rắn sinh sản để giúp người dân địa phương phát triển kinh tế nhưng cần có cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi để có thể phát triển theo hướng đi mới, nuôi con đặc sản một cách bền vững.
Nguyễn Thơm