Anh đến với nuôi nhím này cũng là một sự tình cờ, trong một lần đi làm theo công trình ở Sơn La, anh thấy nhiều người nuôi nhím rất có hiệu quả. Về nhà, anh mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng mua con giống, xây dựng chuồng trại. Sau 3 năm, nhà anh hiện có trên 50 con nhím, hàng năm cho thu nhập gần 500 triệu đồng.
Nhím vốn sống hoang dã, ở hang, ngủ ngày, ăn đêm và rất ít bệnh, chỉ có một số bệnh đơn giản như ký sinh trùng và đường ruột. Khi làm chuồng nên chú ý làm nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt, đảm bảo khô sạch, thoáng mát. Điểm cần lưu ý là phải đảm bảo nguồn thức ăn đa dạng như rễ cây, mầm cây, rau củ quả các loại.
Hàng ngày đi làm ở công ty nhưng chỉ cần 30 phút đến 1 tiếng tranh thủ buổi chiều tối cho nhím ăn, cuối tuần được nghỉ dọn dẹp chuồng trại là đảm bảo. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành mất 12 tháng, nhím đạt trọng lượng 10-12kg/con lúc đó chúng bắt đầu sinh sản. Với giá một đôi nhím hiện tại là 10 triệu đồng/1 đôi nhím 2 tháng tuổi, lợi nhuận thu được thật đáng kể.
Đến thăm gia đình nhà anh Tú hôm đó cũng có một vài chủ trang trại ở huyện Yên Khánh và Nam Định sang đặt mua giống, nhưng anh vừa xuất 1 lứa lúc sáng nên không còn để bán. Anh cho biết: giá một đôi nhím giống cao như vậy nhưng chuẩn bị ra lứa nào là hết lứa đó, nhiều khi người mua phải đặt trước tới 2 - 3 tháng. Không bằng lòng với những gì mình có, anh Tú đang nghiên cứu phát triển thêm một số loại con đặc sản khác như: rắn, kỳ đà, cá sấu, lợn rừng… nhằm thích ứng với những biến động của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.
Từ mô hình nhà anh Tú cho thấy, nuôi nhím là một hướng chăn nuôi con đặc sản đầy tiềm năng. Nhu cầu nuôi nhím đang rất lớn, vài ba năm nữa nhím giống vẫn được giá. Hơn nữa nếu không bán giống thì có thể bán thịt, lợi nhuận vẫn rất khá bởi thịt nhím là một thứ "đặc sản" giàu giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, các sản phẩm khác từ nhím như dạ dày là một loại dược liệu quý… Như vậy, nuôi nhím là một mô hình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Lựu