Có con gái lập nghiệp và lấy chồng ở thủ đô Hà Nội, ai cũng mừng cho gia đình bà Đ (phường Nam Bình- thành phố Ninh Bình). Ngay khi vừa sinh con đầu lòng, vì nhà neo người nên bà Đ không thể lên Hà Nội chăm con, chăm cháu. Vậy là cả hai mẹ con H theo bà ngoại về Ninh Bình ở cữ. Tháng đầu tiên ở nhà ngoại, mọi thứ diễn ra bình thường: Bà Đ đi chợ, nấu nướng, tẩm bổ cho con gái để có nhiều sữa cho con bú. Đáp lại sự tận tình, chu đáo của mẹ, H cũng ăn uống rất nhiệt tình, tuy nhiên những thức ăn giàu chất dinh dưỡng như: móng giò, cháo ăn đêm, trứng gà… cô lại rất ít khi đụng đũa đến.
Sang đến tháng thứ 2, H gây cho bố mẹ một phen… choáng váng khi chính thức thông báo: Con không cho con bú mẹ nữa nên mẹ không cần phải tẩm bổ cho con. Mặc cho bà Đ ra sức ngăn cản, thuyết phục, nhưng H vẫn một mực: ở thành phố bây giờ khác rồi, bạn bè của con không cho con bú ngay sau khi sinh vì bây giờ sữa ngoài cũng tốt. Với lại, không cho con bú để còn nhanh luyện tập lấy lại dáng vóc, giữ cho bộ ngực không bị chảy xệ… Gọi điện cho cho con rể, những tưởng chàng rể sẽ đứng về phía mình, nhưng bà Đ ngạc nhiên hơn khi chàng rể cũng rất đồng tình với vợ. Thậm chí, khi con được 2 tháng tuổi, cả hai vợ chồng H còn gửi con cho bà ngoại để lên đường đi du lịch Nha Trang. Nghĩ lại quãng thời gian chăm cháu ngoại chẳng khác gì thời xưa chăm con dại, bà Đ vẫn ngao ngán: Chúng nó sống hiện đại và suy nghĩ như "tây" thế nên thằng bé thiệt thòi. Chứ như ngày xưa chúng tôi nuôi con, trong mấy tháng đầu, con toàn bú sữa mẹ mà lớn lên vẫn thông minh, khỏe mạnh đấy thôi…
Đem theo băn khoăn về trường hợp của người hàng xóm để tìm hiểu thêm về việc nuôi con bằng sữa mẹ, chúng tôi còn gặp được nhiều trường hợp cũng…chẳng khác mấy. Đã có trường hợp vì nhu cầu làm đẹp của bản thân nên nhanh chóng chấm dứt việc cho con bú từ rất sớm, khi con chỉ 2-3 tháng tuổi. Khi tâm sự với bạn bè, đã có những bà mẹ trẻ rất vô tư khi cho biết: Sữa mẹ chỉ có tác dụng tốt trong 1-2 tháng đầu đời, còn sau này, sữa mẹ và sữa ngoài chẳng khác nhau là mấy nên cho con ăn sữa ngoài tiện bao nhiêu. Với lại, cho con bú lâu, khó để giảm cân và giữ cho mình có bộ ngực đẹp. Có người lại ít cho con bú với lý do, sữa mẹ thấy mọi người bảo là "nóng" nên con mình chẳng lớn nhanh như các bé trong độ tuổi. Vì vậy phải dừng cho con bú để uống sữa ngoài cho lớn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ nhưng lại cho con ăn dặm rất sớm, chỉ 2- 3 tháng với lý do con "háu" ăn nên phải cho ăn bột sớm…
Trao đổi với bác sỹ Phan Thị Nụ, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh về các trường hợp kể trên, chúng tôi được bác sỹ Nụ giảng giải cho nhiều điều về sự cần thiết phải nuôi con bằng sữa mẹ. Theo bác sỹ Phan Thị Nụ, trước thực tế vẫn còn có bà mẹ ngại cho con bú, hiểu chưa đúng về sự cần thiết phải nuôi con bằng sữa mẹ hoặc do đặc thù công việc không thể cho con bú thường xuyên trong ngày…rất cần được quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn để hiểu thêm các kiến thức và sự cần thiết nuôi con bằng sữa mẹ, giúp mỗi trẻ nhỏ được chăm sóc và nuôi dưỡng bằng nguồn dinh dưỡng quý giá này. Bác sỹ Nụ đã chia sẻ với chúng tôi những kiến thức sơ đẳng nhất về sữa mẹ thông qua các nghiên cứu khoa học.
Theo đó, nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên, kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Việc cho con bú có rất nhiều lợi ích vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu, là thức ăn lý tưởng nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển trí thông minh. Với nhiều đặc tính tốt như: dễ tiêu hóa và hấp thu, phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp, sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ.
Đặc biệt, trong sữa mẹ còn có Globulin miễn dịch và các yếu tố kháng viêm Cytokine tăng cường miễn dịch phòng, chống nhiễm khuẩn, từ đó làm giảm tỷ lệ tử vong trẻ em. Đối với các bà mẹ, cho con bú ngay sau khi sinh sẽ kích thích co hồi tử cung tốt, giúp sổ rau và giảm nguy cơ chảy máu sau sinh. Cho trẻ bú ngay và thường xuyên còn kích thích tăng cường sản xuất sữa, phòng cương tức sữa cho mẹ, tiết kiệm chi phí, giúp người mẹ chậm có thai. Cho con bú còn giúp tăng cường tình cảm mẹ con. Vì vậy, các bà mẹ nên cho con bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
Đặc biệt, năm nay từ ngày 1-7/8, tuần lễ thế giới "nuôi con bằng sữa mẹ" đã và đang được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Với chủ đề "Sữa mẹ- món quà vô giá cho cuộc sống", ngành Y tế Ninh Bình đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các bà mẹ thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Với chức năng là đơn vị đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, những năm qua Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ. Trung tâm đã tăng cường vận động cán bộ y tế và cộng đồng quan tâm, hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc đẩy mạnh truyền thông tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn, thực hiện tư vấn cho các bà mẹ mang thai, bà mẹ đang nuôi con nhỏ về lợi ích, sự cần thiết nên nuôi con bằng sữa mẹ. Tại các bệnh viện trong tỉnh đều thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn để các bà mẹ thực hiện 10 bước nuôi con bằng sữa mẹ thành công…
Hiện nay, qua thống kê của Trung tâm, số trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đạt tỷ lệ 42,8%. Bác sỹ Phan Thị Nụ chia sẻ: tỷ lệ này được đánh giá là khá cao vì phần lớn bà mẹ sau sinh chỉ có thể cho con bú hoàn toàn chỉ trong 3-4 tháng đầu rồi khi đi làm, bắt tay vào công việc, nhất là việc nhà nông, sản xuất nông nghiệp... Do đó, để các bà mẹ nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết nên nuôi con bằng sữa mẹ, rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các bà mẹ trẻ. Đặc biệt, theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi, từ năm 2013 lao động nữ được quyền nghỉ thai sản trong thời gian 6 tháng sẽ là điều kiện thuận lợi để có thêm nhiều bà mẹ có điều kiện cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Bài, ảnh: Bùi Diệu