Anh Đạt cho biết: Trong thời gian phục vụ ở quân đội, tình cờ một lần đi công tác ở Hải Dương thấy một số hộ ở đó nuôi ba ba rất hiệu quả. Qua tìm hiểu anh thấy đây là con nuôi đặc sản dễ nuôi, nhân giống đơn giản… Từ đó anh đã nung nấu ý định sau này sẽ đầu tư để nuôi ba ba. Năm 1990 anh về nghỉ hưu, và bàn với vợ đầu tư vốn đào ao, mua vài chục cặp giống ba ba bố mẹ. Sau đó anh tự học trên sách, báo, qua bạn bè, qua các mô hình để nhân giống.
5 năm, hiệu quả từ nuôi ba ba đã khuyến khích anh mở rộng diện tích, chuyển đổi số diện tích đất nông nghiệp từ trồng lúa và cây màu không hiệu quả sang đào ao nuôi ba ba. Anh đã phải huy động thêm vốn của bạn bè, gia đình và các tổ chức để có thể đạt được ước mơ của mình.
Anh tâm sự: Ngẫm lại cũng thấy mình liều, số vốn đầu tư vào chăn nuôi ba ba lúc đó phải vay đến 60%. Nhưng tôi vẫn tin tưởng là mình sẽ thành công. Rồi đúng như anh tính toán, đàn ba ba nhà anh mỗi ngày một phát triển. Đến nay, anh có trên 150 con ba ba bố mẹ, mỗi năm sản xuất ra 1.000 con ba ba giống.
Khi được hỏi về những kinh nghiệm trong chăm sóc và nuôi dưỡng ba ba, anh Đạt không ngại ngần cho biết: Đây là loại con rất dễ nuôi, thích nghi được với nhiều kiểu thời tiết, khí hậu khác nhau mà lại ít mắc bệnh. Thức ăn chủ yếu là cá và ốc… Người nuôi phải quan tâm đến thức ăn, không được để thừa mồi, thiếu nước. Về mùa rét phải thả bèo kín ao hoặc tạo các hốc cây ở các góc ao để ba ba vào đó tránh rét. Từ những đồng vốn gom góp lại trong nuôi ba ba anh chị đã đầu tư vào việc đào thêm ao, mua thêm ba ba bố mẹ để phát triển đàn ba ba giống. Đã có nhiều người tìm đến anh để học tập kinh nghiệm nuôi và cách thức làm ăn, ngoài ra anh còn cung cấp một số lượng ba ba thịt cho các nhà hàng ở trong và ngoài tỉnh.
Sau 3 năm, toàn bộ số vốn vay anh đã hoàn trả hết. Không những thế anh chị còn nuôi được các con ăn học đàng hoàng, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt có giá trị trong gia đình. Trừ chi phí, mỗi năm thu từ nuôi ba ba anh lãi hàng trăm triệu đồng.
Khánh Vân