Hiện nay, tuy việc du học đã được mở rộng sang nhiều quốc gia khác song nước Nga vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với học sinh Việt Nam. Cũng giống như thế hệ cha anh của mình, những người trẻ hôm nay yêu nước Nga bởi lịch sử oai hùng với Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, với chiều sâu văn hóa… Điểm khác biệt duy nhất có lẽ là ở cách họ cảm nhận và thể hiện tình yêu ấy trong cuộc sống và công việc hiện tại. Chúng tôi phần nào thấy được sự khác biệt đó qua câu chuyện với một nữ bác sỹ từng sống và học tập gần 10 năm ở xứ sở Bạch Dương, chị là Cao Thị Phượng, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Năm 2000, với thành tích học tập vượt trội hơn các bạn cùng khóa và với nguyện vọng được tiếp tục thực hiện ước mơ, hoài bão của mình ở một nền giáo dục tiên tiến, chị Phượng vinh dự được cử sang Nga du học theo Hiệp định 322. Vậy là chỉ sau 1 học kỳ học tại Trường Đại học Y Hà Nội, chị Phượng có cơ hội được đặt chân đến nước Nga vĩ đại. Chị cho rằng ở thế hệ của mình, nước Nga vừa xa xôi lại vừa gần gũi. Bởi dù có thể chưa từng đặt chân tới xứ sở Bạch Dương nhưng nước Nga vẫn hiện lên qua những vần thơ của Puskin, những câu chuyện thấm đẫm tình người của Solokhop hay những giai điệu âm nhạc của Traicốpxki...
Với riêng chị Phượng, từ những ngày còn học phổ thông cảm nhận đầu tiên của chị về nước Nga lại chính từ tác phẩm "Sông đông êm đềm", Sholokhov đã đưa vàođónhững cảnh vật quê hương, những tập tục, những bài dân ca một cách nhuần nhuyễn, hòa quyện. Và cũng chính bởi vậy chị không bao giờ quên được giây phút đầu tiên khi tận mắt nhìn thấy thành phố Rostov-on-don (thành phố bên bờ sông Đông), đây cũng là nơi chị gắn bó trong suốt gần 10 năm học tập, nghiên cứu chuyên ngành y khoa. Khung cảnh đẹp, độc đáo gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử cùng những kiệt tác của các công trình kiến trúc hiện đại hiện ra trước mắt cho chị cảm giác như đang tìm về được những ký ức tuyệt vời của thời kỳ oai hùng trước đây và khám phá được một nước Nga mới mẻ của hiện tại. Chị bồi hồi nhớ lại thời điểm đoàn du học sinh Việt Nam sang Nga vào chính giữa mùa thu. Lúc ấy cùng với màu vàng rực rỡ, đặc trưng của thu vàng nước Nga, khung cảnh thiên nhiên hiện lên như một bức tranh nhẹ nhàng mà lôi cuốn.Sau này, khi có dịp khám phá nhiều hơn chị nhận ra ở Nga mùa nào cũng đẹp. Mùa đông tuyết đọng trắng xóa trên những cành cây khô trụi lá, nhìn như những cây san hô. Mùa xuân, khi trời ấm dần, tuyết bắt đầu tan, mầm lá, chồi non vươn lên đầy sức sống. Đến mùa hè, cả thành phố trải một màu xanh mướt…
Sau những khoảnh khắc choáng ngợp trước vẻ đẹp của nước Nga, khoảng lặng đầu tiên đối với cô sinh viên trẻ chính là nỗi nhớ nhà. Và lúc này đây, tình cảm, sự quan tâm của các thầy, cô giáo, các bạn người Nga chính là nguồn động viên to lớn cho chị Phượng và những sinh viên người Việt khác. Chị nhớ lại: Rào cản về ngôn ngữ nhanh chóng được xóa bỏ nhờ những ánh mắt trìu mến, những cử chỉ gần gũi khi thầy, cô hướng dẫn cho chúng tôi cách ăn, ở, sinh hoạt trong một môi trường hoàn toàn mới, khác rất nhiều so với quê nhà. Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là vào ngày nghỉ được các bạn Nga hướng dẫn cách chế biến những món ăn truyền thống của Nga với hương vị rất đặc biệt mà cũng phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới làm quen được. Đó là những trải nghiệm rất thú vị.
Khi đã hòa nhập với cuộc sống ở đất nước xinh đẹp này, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc học tập, nghiên cứu. Trước khi sang Nga, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, hiện nay nền giáo dục của Nga đã đào tạo được chuyên gia trong mọi lĩnh vực với chương trình giảng dạy và hệ thống cấp bằng theo các nước tiên tiến Tây Âu và Bắc Mỹ, vì vậy bằng cấp của Nga đã được công nhận trên toàn thế giới. Quả thật, phương pháp giảng dạy ở đây rất khoa học và mang tính thực tiễn cao. Sinh viên có thể thảo luận, tự do suy nghĩ, phát triển ý tưởng của bản thân. Còn chương trình học được sắp xếp dựa trên tiêu chí sinh viên là nhân vật chính, còn các thầy, cô là những người hướng dẫn. Vì vậy chúng tôi có thể rèn luyện được phương pháp tiếp cận vấn đề, cách phân tích tổng hợp, đánh giá, rèn luyện kỹ năng giao tiếp và xử lý thông tin.
Trong thời gian du học tại Nga, chúng tôi cũng nhận được những điều mà đối với một người trẻ là kho tàng không thể tính được giá trị như sự trải nghiệm, cách trân trọng những giá trị lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Tôi nhớ ở Trường Đại học Quốc gia Y Rostov, lớp của chúng tôi có tới một nửa sinh viên là người Việt Nam. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu về đất nước của mình, có một bạn sinh viên nước ngoài đã thốt lên: Việt Nam, Hồ Chí Minh! Tất cả những sinh viên người Việt lúc ấy đều nghẹn ngào, niềm tự hào trào dâng trong trái tim chúng tôi. Bản thân tôi không khỏi khâm phục những hiểu biết của các bạn sinh viên Nga. Và cách các bạn ấy trân trọng những giá trị lịch sử cũng rất đáng để học tập. Môn lịch sử được coi là một trong những môn học hấp dẫn nhất ở trường. Ngoài cách tìm hiểu kiến thức trong giáo trình, việc sinh viên tới thư viện, chủ động tìm đọc những tài liệu về lịch sử là một việc rất thường xuyên ở đây. Sinh viên cũng có thể tự tổ chức các chuyến đi thực tế đến những địa danh lịch sử…
Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt tham gia các hoạt động chào mừng. Tôi vẫn nhớ như in cái không khí hào hùng của dân tộc anh hùng ấy qua những lễ mít tinh và những lần diễu binh ở quảng trường Pokrov, qua ánh mắt, nụ cười đầy tự hào của các bạn sinh viên Nga... Những hình ảnh đẹp đẽ ấy sẽ luôn nhắc nhớ thế hệ trẻ chúng tôi về công lao to lớn, sự anh hùng, quả cảm của các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô và những người mẹ Nga anh hùng.
Câu chuyện của chị Phượng cho chúng tôi cảm giác như mọi thứ vừa mới diễn ra gần đây thôi, mặc dù chị cũng đã rời đất Nga từ năm 2008 và hiện đang vận dụng những kiến thức đã học được từ đất nước này vào công việc đầy ý nghĩa là khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Duy Hiền